LSO-Giai đoạn 2006- 2010, khủng hoảng kinh tế đã khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh, ảnh hưởng khá lớn đối với nền công nghiệp cả nước nói chung và tại Lạng Sơn nói riêng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng theo đánh giá của các ngành hữu quan, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong toàn tỉnh giai đoạn 2001- 2010 và giai đoạn 2006- 2010 vẫn có bước tăng trưởng khá cao. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2001- 2010 đạt bình quân gần 20%; tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng dần từ 6% năm 2001 lên gần 14% năm 2010. Trong đó, giai đoạn 2006- 2010 đạt 6.580 tỉ đồng, tăng bình quân 21,1%/năm và thực hiện trong năm 2010 tăng 1,5 lần so với năm 2006. Đặc biệt, một số khu, cụm công nghiệp là nơi tập trung, là đòn bẩy phát triển công nghiệp trong toàn tỉnh đã bắt đầu hình thành, một số dự án đầu tư được xây dựng xong đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chi...
LSO-Giai đoạn 2006- 2010, khủng hoảng kinh tế đã khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh, ảnh hưởng khá lớn đối với nền công nghiệp cả nước nói chung và tại Lạng Sơn nói riêng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng theo đánh giá của các ngành hữu quan, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong toàn tỉnh giai đoạn 2001- 2010 và giai đoạn 2006- 2010 vẫn có bước tăng trưởng khá cao.
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2001- 2010 đạt bình quân gần 20%; tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng dần từ 6% năm 2001 lên gần 14% năm 2010. Trong đó, giai đoạn 2006- 2010 đạt 6.580 tỉ đồng, tăng bình quân 21,1%/năm và thực hiện trong năm 2010 tăng 1,5 lần so với năm 2006. Đặc biệt, một số khu, cụm công nghiệp là nơi tập trung, là đòn bẩy phát triển công nghiệp trong toàn tỉnh đã bắt đầu hình thành, một số dự án đầu tư được xây dựng xong đã phát huy hiệu quả.
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chi tiết được 2 khu công nghiệp là KCN Đồng Bành với tổng diện tích quy hoạch gần 322ha, nằm trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng và xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng với tổng vốn đầu tư trên 2500 tỉ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án là dự án nhà máy xi măng Đồng Bành công suất 91 vạn tấn/năm; dự án sản xuất nồi hơi dùng năng lượng sinh học và dự án đầu tư xây dựng chế biến quặng sắt và Antimon. KCN Hồng Phong được được xác định tại quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng sơn, có quy mô diện tích từ 250- 300ha, nằm trên địa bàn 2 xã Phú Xá và Hồng Phong, huyện Cao Lộc, có tổng vốn đầu tư khoảng 2000 tỉ đồng. Trong đó đã có 3 dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư là: dự án chuyển đổi công nghệ lò quay nhà máy xi măng Hồng Phong, công suất 35 vạn tấn/năm; dự án nhà máy chế biến chì thỏi có tổng vốn đầu tư thực hiện trên 70 tỉ đồng, công suất 10 vạn tấn/năm; dự án sản xuất vàng mã xuất khẩu, công suất 10 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Đối với các cụm công nghiệp, đã hoàn thành và đưa vào khai thác CCN địa phương số 2 có tổng diện tích hơn 13ha với 14 dự án và tổng vốn đầu tư đạt trên 176 tỉ đồng; CCN Hợp Thành có diện tích hơn 120ha đã hoàn thành quy hoạch chi tiết với tổng vốn đầu tư trên 600 tỉ đồng; CCN Hữu Lũng, có diện tích gần 49ha, nằm trong quy hoạch chung xây dựng thị trấn Hữu Lũng cũng có tổng vốn đầu tư trên 600 tỉ đồng; CCN Na Dương có tổng diện tích quy hoạch lớn nhất với 365ha, tổng vốn đầu tư 1500 tỉ đồng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án sản xuất gạch tuy nen, công suất 60 triệu viên/năm, tổng vốn đầu tư là 117 tỉ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc suy thoái của nền kinh tế toàn cầu đã tác động tới công nghiệp Lạng Sơn do khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp gặp nhiều khó khăn; các vật tư nguyên liệu đầu vào như sắt thép, than, xăng dầu…tăng đã kéo theo chi phí sản xuất tăng, giá thành sản phẩm cao, khó tiêu thụ trên thị trường; việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế đến việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cũng như tiếp cận khoa học kỹ thuật; hàng cấm, hàng giả, nhất là hàng lậu chưa ngăn chặn được triệt để; trình độ dân trí, số lượng lao động có tay nghề cao trên địa bàn còn thiếu và yếu; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nội tỉnh, giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn còn yếu kém nên gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, đặc biệt là trong khâu lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ…
Như vậy, để Lạng sơn trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển, thì phát triển công nghiệp phải quán triệt định hướng mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, và nay là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam gắn với sự phát triển công nghiệp của các tỉnh trung du và miền núi phái Bắc; khai thác lợi thế tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng để thúc đẩy phát triển công nghiệp. Ngoài ra, cũng cần phải coi trọng chất lượng tăng trưởng và giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp, gắn chặt các cơ sở chế biến với các vùng nguyên liệu, thu hút nhiều lao động, giải quyết các vấn đề xã hội; đặc biệt, phát triển công nghiệp cần phải gắn với củng cố an ninh – quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, nhất là tuyến hành lang biên giới.
Hoàng Huy
Ý kiến ()