Chú trọng luân chuyển, điều động cán bộ
LSO-Từ thực tiễn cho thấy, hầu hết cán bộ qua luân chuyển, điều động đều phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tích cực học hỏi, thực hiện tốt công tác được giao. Thời gian qua, thực hiện công tác này, huyện Lộc Bình đã tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ theo từng giai đoạn thích hợp. Qua thực hiện, không chỉ góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh mà còn xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện Lộc Bình trao đổi nghiệp vụ |
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 22/1/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, thời gian qua, Huyện ủy Lộc Bình tăng cường luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp phòng, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền cấp xã. Tính đến hết năm 2013, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định luân chuyển 12 trường hợp, điều động 2 trường hợp về cơ sở giữ các chức vụ: bí thư đảng ủy; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn; điều chuyển hơn 10 lượt cán bộ lãnh đạo giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện với nhau. Từ đầu năm 2014, Huyện ủy đã luân chuyển, điều động thêm 1 lãnh đạo cấp phòng về cơ sở làm bí thư đảng ủy xã, điều chuyển sang ngang 1 lãnh đạo từ khối đoàn thể sang khối chính quyền cấp huyện.
Bà La Thị Lạc – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Bình cho biết: để việc luân chuyển, điều động cán bộ trở thành việc làm bình thường, đi vào nề nếp, Huyện ủy Lộc Bình thực hiện phương châm: mạnh mẽ, thận trọng, ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng; đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác; vừa bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, vừa chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Việc luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện một cách dân chủ; không chạy theo số lượng; không khép kín; không luân chuyển những cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, năng lực yếu, giảm sút uy tín, không có triển vọng phát triển.
Đồng thời, Lộc Bình còn thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý theo chiều ngang giữa các ngành và luân chuyển theo chiều dọc từ các phòng đến các xã, thị trấn hoặc từ xã, thị trấn lên huyện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác luân chuyển, điều động và giúp cán bộ yên tâm công tác, huyện thực hiện đúng chế độ, chính sách theo quy định. Theo đó, trợ cấp khó khăn ban đầu (một lần) đối với mỗi cán bộ về xã vùng II công tác 4 triệu đồng, xã vùng III là 5 triệu đồng/người; cho cán bộ hưởng lương tại cơ quan công tác trước khi luân chuyển, điều động; đề nghị với cấp ủy, chính quyền cơ sở tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở và động viên tinh thần những cán bộ đi luân chuyển, điều động.
Qua hơn 10 năm thực hiện chính sách luân chuyển, điều động, điều chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy và chính quyền cấp xã đã mang lại nhiều kết quả nổi bật trong công tác cán bộ và xây dựng chính quyền cơ sở ở huyện Lộc Bình. Cụ thể, việc luân chuyển, điều động, điều chuyển tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng được rèn luyện, thử thách, qua đó trưởng thành nhanh và vững vàng hơn. Chị Vi Thị Ánh Vượng – Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện được điều chuyển từ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Lộc Bình sang cho biết: sau khi được luân chuyển từ cơ quan này đến cơ quan khác giúp chị được kinh qua nhiều công việc khác nhau. Ở mỗi nhiệm vụ công việc đòi hỏi chị phải học tập thêm những kiến thức chuyên ngành mới, cách làm hay để áp dụng vào công việc hàng ngày. Từ đó giúp chị có thêm lượng kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Không chỉ thế, chị còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm công tác của các đồng nghiệp, va chạm với nhiều lĩnh vực nên trưởng thành và hoàn thiện bản thân nhanh hơn.
Theo lãnh đạo Huyện ủy Lộc Bình, việc luân chuyển, điều động không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mà còn góp phần chuyển biến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Đơn cử trước khi có cán bộ đến luân chuyển, một số cơ sở như thị trấn Lộc Bình, các xã: Tú Đoạn, Sàn Viên, Hữu Lân, Tĩnh Bắc… còn nhiều vướng mắc trong lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp ủy, chính quyền hoặc điều kiện về kinh tế, xã hội tương đối khó khăn. Sau khi có cán bộ ở huyện về tăng cường thì các xã, thị trấn trên chuyển biến cả về tư duy, cách thức chỉ đạo. Nhờ đó tăng cường tình đoàn kết nội bộ, góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh hơn. Để công tác này tiếp tục đem lại hiệu quả, thời gian tới, Lộc Bình tiếp tục nghiên cứu tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là cho cơ sở, đơn vị có nhiều khó khăn, tập trung luân chuyển những cán bộ trẻ, có triển vọng, xem xét các trường hợp cán bộ lớn tuổi để điều động về cơ sở đúng theo quy định.
HÀ MY
Ý kiến ()