Chú trọng hơn hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND
Sáng 9-6, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HÐND.
Khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Với 86,26% đại biểu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. Ðối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 sẽ bổ sung các dự án: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14-7-2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết của QH về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; Pháp lệnh quản lý thị trường… Bên cạnh đó, điều chỉnh thời hạn trình QH: Chuyển dự án Luật Khí tượng thủy văn từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười lên Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ chín, thông qua tại kỳ họp thứ mười; lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ chín sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11; rút dự án Luật Dân số ra khỏi Chương trình năm 2015…
Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày cho biết: Tính đến ngày 15-5 năm nay, đã có khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý dự thảo Bộ luật. Ðối tượng lấy ý kiến được trải rộng từ các cơ quan ở T.Ư đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương; từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo.
Qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu. Về cơ bản đã thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Ðảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật còn nhiều lỗi về mặt kỹ thuật văn bản; một số quy định có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự… Báo cáo của Chính phủ đã giải trình rõ về 10 vấn đề được xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.
Năm 2016, QH sẽ tiến hành ba kỳ họp
Các đại biểu QH đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2016, trong đó nêu rõ: Năm 2016 là năm tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng; là năm cuối nhiệm kỳ QH khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức bầu cử đại biểu QH nhiệm kỳ khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; là năm tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, với bộ máy của nhiều cơ quan nhà nước có sự điều chỉnh, nhiệm vụ được chuyển giao giữa hai giai đoạn, một số chính sách được định hướng mới. Bên cạnh việc bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các cơ quan phải dành thời gian cho công tác tổ chức, nhân sự, do vậy, việc dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2016 của QH, các cơ quan của QH phải được lựa chọn một cách phù hợp, bảo đảm tính khả thi của chương trình.
Năm 2016, QH sẽ tiến hành ba kỳ họp với những điểm chính: Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII, diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3-2016, tập trung việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ. Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV, là kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới, diễn ra khoảng 20 ngày, vào cuối tháng 7-2016, tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2020. Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV diễn ra cuối tháng 10-2016, thời điểm hoạt động của QH đi vào ổn định, tập trung các nội dung chính là kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát; tại kỳ họp này, dự kiến tiến hành hoạt động chất vấn và giám sát một chuyên đề…
Hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH và HĐND còn hạn chế
Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Sau đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua Luật nêu trên, với 422 đại biểu tán thành, bằng 85,25% tổng số đại biểu QH.
QH tiến hành thảo luận dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) và nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật được bổ sung nhiều nội dung mới, thể hiện rõ thẩm quyền, trình tự, chế tài giám sát…, khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giám sát hiện hành, đáp ứng yêu cầu mở rộng dân chủ, nhất là thực hiện Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) và một số đại biểu cho rằng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát chưa cao. Nhất là khi tiến hành các hoạt động giám sát về giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân; tình trạng ô nhiễm môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm… Sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa cao, nhiều nơi sau khi giám sát, chủ thể được giám sát chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của đoàn giám sát về khắc phục tình trạng, thậm chí có nơi diễn ra trầm trọng hơn, làm giảm lòng tin của cử tri và nhân dân. Thí dụ, QH giám sát môi trường ở làng nghề, thấy ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục. Nhưng có nhiều nguyên nhân khác nhau, cho nên tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, thậm chí có nơi còn trầm trọng thêm. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) và một số đại biểu đề nghị, để hoạt động giám sát có hiệu quả, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm các cơ quan của QH và HĐND các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện hoạt động giám sát. Quy định rõ hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát, không để tình trạng cứ giám sát, kết luận rồi không thực hiện. Cần quy định cụ thể thời hạn thực hiện bao nhiêu ngày kể từ khi có kết luận giám sát, nếu như chủ thể giám sát không thực hiện phải có chế tài xử lý. Cùng với đó, hướng hoạt động giám sát vào các lĩnh vực, vấn đề được cử tri quan tâm, bảo đảm minh bạch, công khai trong hoạt động giám sát.
PV
Việc lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng và thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, phù hợp từng đối tượng lấy ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tiếp cận, góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật. Kết quả lấy ý kiến nhân dân được Bộ Tư pháp tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Trên cơ sở kết quả này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp các cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý hoặc để giải trình, bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ của quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật. (Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)) |
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH và HĐND, một trong những yêu cầu thuộc về nguyên tắc của hoạt động giám sát là: Phải làm rõ phạm vi, mức độ, tính chất của nội dung giám sát, từ đó phân định rõ, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp, phân tán giữa các cơ quan của QH và HĐND các cấp trong hoạt động giám sát. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()