Chú trọng điều hành quản lý các hoạt động trường học hiệu quả
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thái, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, trong điều hành quản lý các hoạt động trường học, phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT, HSTC) bao gồm năm nội dung chính: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; dạy và học có hiệu quả, phù hợp đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương. Để thực hiện phong trào Xây dựng THTT, HSTC hiệu quả, trong điều hành các hoạt động trường học, cán bộ quản lý cần: Xây dựng kế hoạch thực hiện; thành lập Ban chỉ đạo phong trào thi đua; tham mưu, phối hợp với đảng ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội cùng thực hiện; tổ chức học tập quán triệt và ký cam kết thực hiện; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện… Đáng chú ý, trong thực hiện phong trào cần phấn đấu ba đủ (học sinh có đủ sách vở, đủ ăn, đủ mặc), một có (gia đình có chỗ học hợp lý cho con em), ba biết (gia đình biết chính sách của Nhà nước đối với học sinh vùng khó khăn; học sinh lớp 9, lớp 12 biết điều kiện để đi học tiếp ở cấp cao hơn; học sinh THPT biết nhu cầu lao động ở địa phương) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Sau hơn hai năm triển khai, phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC nhận được sự đồng thuận, và hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội nói chung, ngành GD và ĐT nói riêng. Sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ sở giáo dục và phụ huynh, học sinh đã giúp cho cảnh quan môi trường trong các nhà trường có sự chuyển biến rõ rệt. Cả nước có hơn 96% số trường tham gia phong trào với kế hoạch triển khai cụ thể. Phần lớn các trường có khuôn viên xanh, sạch, đẹp, an toàn, trồng mới hơn 18 triệu cây xanh; hơn 15,5 nghìn nhà vệ sinh được xây mới, tăng hơn 35% so với hai năm trước đây. Mối quan hệ thân thiện được thể hiện tốt hơn không chỉ ở các thành viên trong nhà trường mà còn được các bậc phụ huynh học sinh, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cộng đồng chăm sóc, tạo điều kiện cho các em có môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn. Thông qua phong trào, các thầy giáo, cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp, sử dụng nguồn lực, thông tin trong dạy học tốt hơn. Học sinh đã mạnh dạn, chủ động, tích cực hơn trong học tập, giao tiếp ứng xử. Hơn 88% số trường xây dựng được quy ước ứng xử văn hóa do học sinh và cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường tự đề xuất và tổ chức thực hiện. Nhiều cơ sở giáo dục có tổ tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh và hệ thống câu lạc bộ văn hóa, thể thao, chuyên môn, học thuật được hình thành. Học sinh chủ động, tích cực tham gia chăm sóc, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng để qua đó rèn luyện ý thức trách nhiệm, lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Số di tích được các nhà trường chăm sóc ngày càng tăng. Học sinh được vui chơi các trò chơi dân gian, hát dân ca và tham gia các hoạt động giáo dục nhiều hơn, hào hứng hơn. Các nhà trường, địa phương đã sưu tập các trò chơi, làn điệu dân ca, phong tục tập quán văn hóa để đưa vào trong chương trình hoạt động giáo dục cho học sinh. Đặc biệt, phong trào có sự tham gia, phối hợp tích cực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học và các ban, ngành khác đã tạo ra sức mạnh tổng hợp cho các nhà trường triển khai phong trào, nâng cao chất lượng giáo dục. Điểm nổi bật trong thời gian qua là cơ sở vật chất, các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ của học sinh được tổ chức từ cấp trường đến cấp toàn quốc thông qua tổ chức đoàn, hội và các bộ, ngành. Cả nước có 18 tỉnh, thành phố không còn hiện tượng học sinh bỏ học do thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở.
Có thể nói, phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC lan tỏa sâu rộng không chỉ thể hiện đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục sáng tạo trong điều hành, quản lý các hoạt động trường học hiệu quả mà còn tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của các lực lượng xã hội cùng chung tay xây dựng, triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng GD và ĐT, đáp ứng được nhu cầu công cuộc CNH, HĐH đất nước.
Ý kiến ()