Chú trọng dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật
LSO-Trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 12.000 người khuyết tật (NKT), đa số NKT đều gặp nhiều khó khăn, mặc cảm trong cuộc sống. Để NKT vượt qua tâm lý mặc cảm, tự ti và hòa nhập cuộc sống, điều quan trọng nhất cần tạo được việc làm, có thu nhập ổn định để họ vươn lên trong cuộc sống.
Nhà tài trợ trao lợn giống, hỗ trợ sinh kế cho Trung tâm Hy vọng huyện Lộc Bình |
Những năm qua, từ nguồn kinh phí của Nhà nước và đặc biệt là nguồn hỗ trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm tài trợ từ các dự án, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm bảo trợ, hỗ trợ sinh kế cho NKT đạt hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là NKT nghèo để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Với phương châm “Cho cần câu hơn cho xâu cá”, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã và đang triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT có hiệu quả là mô hình nuôi lợn tại Trung tâm Hy vọng Lộc Bình và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Từ năm 2016, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã vận động các nhà tài trợ, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ vào mô hình, qua đó đã trao tặng 16 con lợn giống cho hai trung tâm. Hiện nay, hai trung tâm đang nuôi tái đàn lần thứ 4, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, đạt tổng giá trị trên 48 triệu đồng. Đồng thời, hội còn hỗ trợ lợn giống cho 40 hộ gia đình có NKT tại huyện Văn Lãng, Tràng Định, đến nay, mô hình đã và đang phát triển tốt, góp phần thêm thu nhập cho các gia đình có NKT.
Cùng với đó, hội còn phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở để dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Tiêu biểu như mô hình NKT học nghề may do Nhà may Sài Gòn tổ chức, tạo điều kiện cho 9 NKT học nghề may và có chỗ ăn, nghỉ và đào tạo miễn phí, có việc làm ổn định; mô hình đan chổi chít đã tạo việc làm cho 6 NKT có việc làm với thu nhập bình quân mỗi người 3 triệu đồng/tháng…
Bà Nguyễn Thị Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với trung tâm đang dạy nghề đan chổi chít cho 23 NKT, ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ tiền sinh hoạt và chỗ ở cho học viên NKT. Sau 3 tháng đào tạo, các học viên sẽ có việc làm tại các cơ sở làm chổi chít trên địa bàn tỉnh, cho thu nhập ổn định để tự trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình…
Các dự án làm bánh ngải, cửa hàng bán hoa quả của NKT cũng đang được triển khai có hiệu quả, tạo việc làm cho người trực tiếp nuôi dưỡng NKT có thêm thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Hiện nay, số NKT có việc làm, có thu nhập ổn định chiếm tỷ lệ rất thấp, phần lớn họ có cuộc sống khó khăn, sống ở các xã vùng sâu do đó cơ hội được đào tạo nghề hoặc tìm việc làm vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT vẫn còn là bài toán nan giải. Thời gian tới, hội sẽ chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và đẩy mạnh phối hợp với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho NKT.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()