Chú trọng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao
Tình hình, nhiệm vụ, những thuận lợi và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội luôn là những nội dung được các đại biểu Quốc hội (QH) quan tâm tại các phiên thảo luận ở đoàn và tại phiên họp toàn thể. Trong đó, cần làm gì để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó “đón đầu” và sẵn sàng vượt qua những thách thức, khó khăn của nền kinh tế… được nhiều đại biểu đề cập. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đã và đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của đất nước.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thẳng thắn nêu vấn đề được nhiều đại biểu khác quan tâm. Đó là: Chúng ta đã sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả tốt hay chưa? Nếu chỉ quan tâm xây dựng xã hội học tập như Báo cáo của Chính phủ mà thiếu các giải pháp để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, thì xã hội học tập mà chúng ta xây dựng sẽ bị chệch hướng, sẽ trở thành xã hội bằng cấp. Một xã hội “sính” bằng cấp, chủ yếu dựa vào bằng cấp trong đánh giá cán bộ, coi trọng bằng cấp hơn năng lực lao động thật sự, đây là một thực tế đang dần hình thành trong xã hội ta hiện nay. Chia sẻ ý kiến này, bên hành lang Nhà Quốc hội, một số đại biểu cho rằng: Nhiều cán bộ, công chức, viên chức hiện nay rất chịu khó đi học, nhưng động cơ học tập không hoàn toàn là việc nâng cao trình độ mà học để có bằng, học để “đối phó” với việc nâng lương, nâng bậc. Vì vậy, dù có đào tạo thế nào thì chất lượng cũng không cao và nguồn nhân lực sẽ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra nóng bỏng từng ngày, từng giờ.
Từ thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến đề nghị phải xây dựng một xã hội học tập và lao động sáng tạo, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng sáng tạo vô tận của quần chúng. Theo đó, không chỉ bó hẹp trong việc nghiên cứu của các nhà khoa học mà phải trân trọng, tạo điều kiện cho sự ra đời các sáng kiến, các phát minh sáng chế xuất phát từ thực tế lao động của người lao động. Phải có chính sách mạnh mẽ để khơi dậy nguồn lực sáng tạo trong nhân dân lao động, xây dựng một xã hội coi trọng lao động sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, coi đây là động lực chính để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Đất nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng, với một lực lượng lao động đông đảo, trẻ trung, thông minh và cần cù, nếu không biết hoặc không sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực để xây dựng đất nước là có tội với lịch sử, vì cơ hội dân số vàng sẽ đi qua và không trở lại.
Lo lắng về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, nhiều đại biểu QH đặt vấn đề: Cộng đồng dân cư, xã hội, Nhà nước đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ. Đáng chú ý, rất nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nhưng chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu do thiếu những cơ chế phù hợp để khai thác và phát huy nguồn lực này. Thí dụ, chúng ta có 13 bạn trẻ nhận học bổng chương trình Đường lên đỉnh Ô-lim-pi-a để đi du học, nhưng sau đó có tới 12 người ở lại nước ngoài, không trở về làm việc tại Việt Nam. Đó còn là chuyện cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng “cực chẳng đã” khởi kiện một số bạn trẻ ra tòa, bởi sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách của thành phố đã không trở về cống hiến như đã cam kết. Đây là thực trạng đang phổ biến và rất cần phải suy nghĩ để tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả, kịp thời. Nếu muộn, nếu thờ ơ, chúng ta sẽ đánh mất “chất xám” một cách rất đáng tiếc.
Như vậy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước hiện nay đang gặp những khó khăn không nhỏ, thậm chí ngay việc thu hút người tài về các thành phố lớn làm việc cũng gặp không ít trở ngại. Chính vì vậy, những địa phương nghèo, xa xôi sẽ càng khó khăn hơn khi muốn có được nhân tài về làm việc, cống hiến. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đác Nông) cho rằng: Trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, không nên vì cần số lượng nhân lực mà trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng phải hạ chuẩn. Bởi vì thực tiễn cho thấy, việc hạ chuẩn trong công tác tuyển sinh, nhất là trong tuyển dụng đã tạo ra nhiều hệ lụy mà phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được những tồn tại, yếu kém về sau… Nhưng thực tế công tác tuyển sinh, tuyển dụng ở Tây Nguyên nói chung và Đác Nông nói riêng đã thực hiện hạ chuẩn, như: Cộng điểm ưu tiên, đào tạo bằng hình thức cử tuyển, vậy mà công tác tuyển dụng nhiều năm không tuyển được người giỏi vào làm việc. Điều này làm cho mặt bằng chất lượng nguồn nhân lực ở các vùng này có sự khác biệt theo hướng ngày càng thấp hơn.
Nhiều đại biểu quan tâm những vấn đề, những hạn chế hiện nay đối với nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cả nước đang tiến hành xây dựng nông thôn mới nhưng rất thiếu nguồn nhân lực. Trước kia, các bộ, ngành, địa phương chỉ quan tâm đào tạo nghề thủ công hoặc đào tạo cho người nông dân vào các nhà máy, xí nghiệp, chưa quan tâm đào tạo nghề cho người nông dân. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp… Trong đó, chú trọng việc đào tạo lao động lành nghề, có tay nghề cao và giỏi ngoại ngữ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và cạnh tranh được với lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật tiên tiến, với năng suất lao động vượt trội của các nước trong khu vực.
Lo lắng về sức cạnh tranh, về “sức khỏe” của nền kinh tế đất nước, nhiều ý kiến nêu rõ: “Sức nóng TPP đang phả vào gáy Việt Nam”, nếu không nhận biết định lượng cụ thể về các cơ hội và thách thức, không tận dụng được cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì nền kinh tế Việt Nam sẽ là nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong 12 nền kinh tế TPP. Và chúng ta có nguy cơ trở thành người làm thuê ngay trên chính mảnh đất màu mỡ của mình. Để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá về nguồn nhân lực, về con người…
Nguồn nhân lực chất lượng cao có một vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu trước kia, quá trình phát triển chủ yếu là dựa vào tích lũy vốn vật chất (tài nguyên, đất đai…), thì hiện nay, quá trình này đang chủ yếu dựa trên công nghệ và nhân lực trình độ cao. Chính vì vậy, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu của đất nước hiện nay.
Tôi kiến nghị, trong thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng và phát huy nhân tài, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội, cộng đồng dân cư đầu tư, đào tạo bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực do Nhà nước đầu tư đào tạo. Cần phải thu hút được lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan nhà nước thông qua một cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên những tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học. Đại biểu NGUYỄN NGỌC HÒA (TP Hồ Chí Minh) |
Mô hình tăng trưởng của nước ta từ trước đến nay chủ yếu dựa vào đất đai, tài nguyên, trong tài nguyên có dầu khí. Hiện nay, giá dầu thế giới giảm làm ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế đất nước. Chúng ta cần chuyển sang mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động. Để làm được điều đó, đòi hỏi nâng cao trình độ lao động, sử dụng công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực có hiệu quả gắn với sử dụng tốt các nguồn lực… Đại biểu HÀ HUY THÔNG (Thừa Thiên – Huế) |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()