Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông chất lượng
Chiều 13/11, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Đại học Huế về công tác đào tạo báo chí và truyền thông.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại học Huế. |
Cùng dự có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các vụ, cục thuộc Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; lãnh đạo Đại học Huế cùng các trường, đơn vị thành viên.
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn, PGS, TS Lê Anh Phương, Bí thư Đảng ủy, Giám Đại học Huế cho biết, công tác đào tạo báo chí và truyền thông tại Đại học Huế hiện nay có 2 đơn vị đào tạo là Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Trường đại học Khoa học (Đại học Huế) và Khoa Quốc tế thuộc Đại học Huế.
Quang cảnh tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương với Đại học Huế. |
Theo PGS, TS Lê Anh Phương, 15 năm qua, Khoa Báo chí và Truyền thông – Trường đại học Khoa học (Đại học Huế) đã đào tạo hơn 1.500 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy; hơn 700 học viên các lớp ngắn hạn, phục vụ hiệu quả cho các cơ quan báo chí khu vực miền Trung và cả nước. Khoa Quốc tế, Đại học Huế cũng đã đào tạo trình độ đại học ngành truyền thông đa phương tiện từ năm 2021 với hình thức đào tạo chính quy…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đại học Huế đã kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa các cơ sở đào tạo báo chí vào thành đơn vị tiếp nhận thông tin trực tiếp, cho tham gia các buổi giao ban tuần tại Ban Tuyên giáo Tỉnh như các cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thường xuyên các văn bản pháp quy về báo chí truyền thông, phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo.
Các thành viên trong Đoàn công tác phát biểu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc. |
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận chứng chỉ về nghiệp vụ báo chí, quản lý báo chí, truyền thông… của các đơn vị đào tạo báo chí chính quy như Trường đại học Khoa học và Khoa Quốc tế (Đại học Huế) trong hệ thống các văn bằng, chứng chỉ được công nhận giá trị tương đương với các cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện nay.
Thường xuyên hỗ trợ với Khoa Báo chí và Truyền thông đào tạo nghiệp vụ, chứng chỉ khu vực miền Trung-Tây Nguyên; góp phần quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, ngành báo chí và truyền thông; tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thông tấn, truyền thông với các cơ sở đào tạo để thực hiện việc thực hành, thực tập có hiệu quả.
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đại học Huế cùng các trường, đơn vị thành viên tham dự buổi làm việc. |
Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, góp ý của các thành viên trong Đoàn công tác tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những kết quả đã đạt được của Đại học Huế thời gian qua, nhất là về chương trình đào tạo báo chí và truyền thông.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đại học Huế trong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông. Đại học Huế luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo và bám sát nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu của công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại học Huế cần rà soát lại công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng báo chí; nghiên cứu thực tiễn, đổi mới giáo dục; lấy chất lượng đào tạo làm đầu; tăng cường thực tập từ thực tiễn; xây dựng báo chí đa phương tiện, truyền thông hiện đại; chú trọng đến đạo đức nghề báo; phát triển báo chí trên mạng xã hội; tăng cường hợp tác; chú trọng đào tạo chất lượng cao.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận tại buổi làm việc. |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đại học Huế cần tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là việc ý thức, nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, sứ mệnh của đào tạo khoa học, xã hội nhân văn nói chung. Trong đó, có đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí truyền thông của khu vực miền trung, Tây nguyên và cả nước. Tiến đến xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở đào tạo trọng yếu để đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông chất lượng, với tinh thần “tâm sáng, lòng son, bút sắc”.
Đại học Huế tổ chức thực hiện tốt hơn nữa trong giáo dục đào tạo; phát huy vai trò đội ngũ trí thức; xây dựng một số trung tâm chuyên sâu, đại học thông minh, tạo sự đột phá về giáo dục có thế mạnh; coi trọng giáo dục văn hóa, gia đình, con người Huế; phát triển hạ tầng giáo dục; đào tạo đội ngũ báo chí truyền thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nỗ lực cố gắng xây dựng Đại học Huế sớm trở thành Đại học Quốc gia.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. |
“Chúng ta thống nhất với nhau, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng theo yêu cầu, mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đồng thời vừa đáp ứng yêu cầu theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn và yêu cầu của truyền thông quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Nếu không chúng ta sẽ bị tụt hậu trên lĩnh vực này”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()