Chú trọng đào tạo nghề và hỗ trợ hội viên
LSO-Những năm qua, Hội Nông dân huyện Lộc Bình chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp… tổ chức dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đến với hội viên. Qua đó, từng bước giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Nông dân huyện Lộc Bình đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp |
Hội Nông dân huyện luôn xác định: đào tạo nghề cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Vy Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Hằng năm, hội phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở từ 5 -7 lớp dạy nghề ngắn hạn, thu hút từ 200 hội viên trở lên tham gia.
Riêng năm 2016, hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở được 6 lớp, thu hút 210 hội viên tham gia, đạt 105% kế hoạch. Trong đó, có 5 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt tại các xã: Xuân Mãn, Tú Đoạn, Yên Khoái; 1 lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Minh Phát. Hơn 5 tháng đầu năm 2017, hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên mở 2 lớp dạy nghề chăn nuôi, thu hút 70 hội viên tham gia.
Ông Hà Văn Thu, thôn Khòn Cháo, xã Sàn Viên cho biết: Được học lớp dạy nghề chăn nuôi do Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức, tôi có thêm kiến thức về chăn nuôi như: thức ăn chính, quy trình phòng, chữa bệnh cho vật nuôi… sau đó, tôi tiếp tục được Hội Nông dân hướng dẫn cụ thể về mô hình nuôi bò nhốt chuồng, gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình, bước đầu đã cho thu nhập.
Bên cạnh đào tạo nghề, Hội Nông dân huyện còn chú trọng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: hỗ trợ tiếp cận khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp… Theo đó, từ năm 2016 đến nay, hội phối hợp với doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao), các ban, ngành chức năng của huyện tập huấn kỹ thuật sử dụng bón phân cho lúa; chuyển giao khoa học kỹ thuật giống lúa Nhật Bản tại xã Sàn Viên, Yên Khoái cho 60 hội viên; xây dựng mô hình trình diễn các giống lúa mới với diện tích gần 13 ha, trên 50 hộ tham gia được hỗ trợ 60% giống, 40% phân bón, qua mô hình, giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao hơn so với giống lúa truyền thống khác.
Cùng với đó, hội còn quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn “Quỹ Hỗ trợ nông dân”, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế với lãi suất thấp. Tính đến tháng 6/2017, số dư đạt trên 1,2 tỷ đồng, hiện đang triển khai 19 dự án, với 61 hộ vay vốn…Thông qua nguồn quỹ này, nhiều hội viên đã có điều kiện phát triển kinh tế, bước đầu cho thu nhập.
Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nhiều hội viên đã vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Nhiều hội viên nghèo đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, Hội Nông dân huyện có 200 hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tiêu biểu như hộ ông Bế Văn Thỏa, xã Bằng Khánh; hộ ông Triệu Sinh Mai, xã Ái Quốc; hộ ông Triệu Chòi Sình, xã Mẫu Sơn… 5 tháng đầu năm 2017, các cấp hội nông dân đã vận động giúp đỡ 12 hộ nghèo, trong đó đã có 2 hộ thoát nghèo.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()