Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng
LSO-Lạng Sơn hiện có 47.000 công nhân, viên chức và người lao động, trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) là 22.000 người, chiếm trên 46%.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chính sách đặc thù với cán bộ người DTTS như: đẩy mạnh đào tạo đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh vùng DTTS để tạo nguồn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; xây dựng bộ tài liệu tiếng dân tộc Nùng và tổ chức lớp học tiếng Nùng, Tày nhằm đáp ứng yêu cầu về giao tiếp cho cán bộ công tác tại các xã khu vực II, III… Đặc biệt, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ là người DTTS được chú trọng. Từ năm 2014 đến nay đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho trên 3.600 cán bộ với nhiều nội dung như: bồi dưỡng tin học; kiến thức, nghiệp vụ; tiếng DTTS; công tác tôn giáo… Trong đó, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ theo vị trí việc làm và công tác tôn giáo có tỷ lệ cán bộ theo học cao nhất. Điều này chứng tỏ tính cấp thiết của việc nâng cao năng lực hoạt động và vai trò ngày càng quan trọng của đội ngũ cán bộ người DTTS tại Lạng Sơn.
Cán bộ công chức cấp xã tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực – Ảnh: KHÁNH TRANG |
Chi Lăng là huyện có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống với tỷ lệ người DTTS trên 86%, việc quan tâm xây dựng đề án phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được huyện quan tâm thực hiện. Ông Lô Văn Thiện, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 của Chính phủ, huyện tích cực đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức. Những năm qua, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện tổ chức tập huấn cho trên 2.000 lượt cán bộ cấp cơ sở. Qua công tác đào tạo, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị của cơ quan, đơn vị. Song song với nâng cao năng lực chuyên môn, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức người DTTS ngày càng được quan tâm. Cụ thể, các chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh được tăng cường triển khai; thí sinh có thể lựa chọn thi tiếng DTTS thay thế môn thi ngoại ngữ trong tuyển dụng công chức cấp xã và thi nâng ngạch công chức; cộng điểm trong tuyển dụng công chức và công chức cấp xã theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ… Trong giai đoạn 2011 – 2015, Lạng Sơn đã tiếp nhận và xét tuyển đặc cách (không qua thi tuyển) cho trên 1.120 công chức, viên chức là người DTTS. Chất lượng cán bộ người DTTS ngày càng được nâng cao. Đến nay, số người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) chiếm 32%; tỷ lệ cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp và trung cấp đạt trên 20%. Cán bộ người DTTS giữ vị trí quan trọng tại HĐND, UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội là trên 65%, (tại UBND tỉnh là 3/4 đồng chí, chiếm tỷ lệ 75%).
Cán bộ xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn – Ảnh: THẾ BẢO |
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Lực lượng cán bộ DTTS đã phát huy tốt vai trò trong lãnh đạo, quản lý, số người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cơ bản được bố trí vào các chức danh, vị trí phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều hạn chế, khó khăn như: công tác đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế, tại các vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu nguồn nhân lực chủ yếu về lĩnh vực y tế; mới có trên 40% sinh viên đào tạo theo hệ cử tuyển được sắp xếp công tác sau khi ra trường… Để khắc phục những khó khăn này, thời gian tới, tỉnh sẽ chủ động đào tạo nguồn nhân lực sát với nhu cầu sử dụng, đúng đối tượng và phù hợp với số lượng cán bộ hiện có. Tiếp tục tạo điều kiện giải quyết nhu cầu việc làm cho sinh viên ra trường, đồng thời đẩy mạnh nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ DTTS góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
KHÁNH TRANG
Ý kiến ()