Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số
LSO-Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội vừa qua, đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) là người dân tộc thiểu số (DTTS) số của tỉnh đã phát huy tốt vai trò nhiệm vụ chuyên môn cũng như trong lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị; nhất là đã tập hợp được sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc, tổ chức thực hiện đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống. Việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương có những chuyển biến tích cực. Hầu hết cán bộ DTTS có phẩm chất chính trị tốt, nhiệt tình trong công tác, gắn bó với nhân dân, chịu khó học tập nâng cao nhận thức, chuyên môn, năng lực công tác.
Cán bộ, lãnh đạo các ngành tham gia bồi dưỡng công tác dân vận |
Có được kết quả như trên là do tỉnh đã thường xuyên chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC, viên chức trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 30.285 người; trong đó, chủ yếu là người DTTS, chiếm tỷ lệ trên 75%, nhiều nhất là dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay… Từ thực tế lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, cho thấy năng lực công tác của một bộ phận khá lớn cán bộ là người DTTS còn hạn chế; trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhận thức rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã xác định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ người DTTS là một nhiệm vụ to lớn, quan trọng và lâu dài. Ðể nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng CBCC người DTTS, tỉnh đã lập kế hoạch cụ thể và cử cán bộ đi đào tạo theo nhu cầu sử dụng; huy động mọi nguồn lực, tranh thủ các dự án đào tạo, bồi dưỡng CBCC của Trung ương và đầu tư ngân sách của tỉnh cho đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng trong nước về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước…được trên 18.600 chỉ tiêu; cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài được 23 chỉ tiêu. Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã cử CBCC người DTTS tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đạo tạo được khoảng gần 8.000 chỉ tiêu. Thêm nữa, tỉnh đã quan tâm xây dựng bộ tài liệu tiếng dân tộc Nùng và tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc Tày, Nùng cho CBCC, viên chức để đáp ứng yêu cầu về giao tiếp và sử dụng trong công tác, nhất là ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo ghi nhận tại lớp đại học Nông nghiệp được phối hợp với trường Trung cấp kinh tế mở ngay tại tỉnh, với hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học viên của lớp hầu hết là CBCC đang công tác tại các cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện, xã trên địa bàn. Anh Triệu Tiến Thanh, học viên của lớp là Chủ tịch UBND xã Ái Quốc (Lộc Bình), ngay sau khi được bầu làm chủ tịch xã, anh Thanh được cử đi học lớp lý luận chính trị để chuẩn hóa về trình độ, sau đó, anh tiếp tục tham gia học đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một lãnh đạo xã. Anh Triệu Tiến Thanh chia sẻ: “Với cương vị hiện tại, nếu không có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị thì rất khó cho bản thân tôi trong quản lý và điều hành. Bản thân tôi mong muốn được học thêm, được nâng cao hơn nữa về trình độ chuyên môn.”
Cán bộ xã vùng cao Ái Quốc, huyện Lộc Bình sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản – Ảnh: THẾ BẢO |
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện chính sách pháp luật trong đào tạo, sử dụng đối với đội ngũ CBCC, viên chức là người DTTS, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ mới, tỉnh tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm cho đồng bào DTTS nhận thức rõ những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước, động viên các gia đình đồng bào tạo điều kiện cho con em được học hành, tích cực lao động, học tập và công tác, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành người CBCC cống hiến cho địa phương, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS, chú ý số cán bộ trẻ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn; mạnh dạn bố trí giao việc hợp lý, rèn luyện thực tế để cán bộ trưởng thành; sử dụng cán bộ là người DTTS số một cách hợp lý và có hiệu quả. Xây dựng cơ chế phù hợp, hỗ trợ kinh phí theo quy định cho cán bộ là người DTTS và nguồn cán bộ là người DTTS có điều kiện để tham gia học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và các kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
HỒ XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()