Chú trọng đảm bảo an toàn tại các cơ sở mầm non
(LSO) – Thời gian gần đây, trong cả nước có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra tại một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Trong khi đó, Lạng Sơn là địa phương có rất nhiều trường mầm non, chính vì vậy, ngành giáo dục, các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng phòng chống thương tích, đảm bảo an toàn trong nhà trường.
Tháng 10 vừa qua, tại một trường mầm non ở thị trấn An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) xảy ra vụ việc 1 học sinh mầm non bị bạn cắn làm xây xát vùng mặt trong lúc ngồi chơi. Một trường hợp khác, ngày 25/11, tại Trường Mầm non Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, một bé trai 3 tuổi đã tử vong do bị mắc kẹt đầu vào ô tròn của chiếc cầu khi chơi cầu trượt trong khuôn viên trường. Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp tai nạn xảy ra gần đây trong các cơ sở mầm non trên cả nước.
Các bé Trường Mầm non 2/9, thành phố Lạng Sơn trong giờ vui chơi ngoài trời
Chị Nguyễn Thị Yến, trú tại đường Tô Thị, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, có con học lớp 4 tuổi tại Trường Mầm non Tuổi Thơ bày tỏ: Thời gian vừa qua có khá nhiều vụ trẻ bị tai nạn ở các trường mầm non, tôi cảm thấy khá lo lắng vì nhà tôi cũng có con nhỏ 4 tuổi đang học mầm non. Tôi mong các nhà trường quan tâm hơn nữa đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phụ huynh chúng tôi yên tâm.
Phần lớn tai nạn thương tích xảy ra bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu cảnh giác của một số giáo viên trong quá trình trông nom, giám sát sinh hoạt của trẻ. Bên cạnh đó, những tai nạn đáng tiếc của trẻ còn do cơ sở vật chất chưa đảm bảo yêu cầu, trong khi trẻ con lại rất hiếu động. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2019 – 2020, trên địa bàn tỉnh có 235 trường mầm non, trong đó có 2.228 nhóm, lớp với tổng số 55.573 trẻ.
Thời gian qua, để góp phần đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ tại các cơ sở mầm non, Sở GD&ĐT đã bám sát Thông tư số 13/2010 ngày 15/4/2010 của Bộ GD&ĐT quy định về trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích trong các cơ sở GDMN. Từ đầu năm 2018, sở đã chỉ đạo, khuyến khích các trường lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các phòng học và phòng chức năng, ngăn chặn bạo lực học đường. Tính đến nay, 100% các điểm trường ở thành phố, thị trấn đã hoàn thiện việc lắp đặt camera, còn các trường ở vùng sâu, vùng xa chỉ lắp đặt được ở một số lớp. Bên cạnh đó, mỗi năm hai lần, sở thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi trong nhà và ngoài trời; đôn đốc các trường chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm,… Qua đó, các trường đã thực hiện khá tốt và đến nay chưa xảy ra sai phạm. Ngoài ra, các cơ sở GDMN thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên đề, buổi tuyên truyền góp phần đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ.
Cô Trương Quế Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất các thiết bị đồ dùng vui chơi đều được trang bị an toàn như: cầu trượt đều có thảm cỏ hoặc xốp trải bên dưới… Cùng với đó, trường tổ chức 4 buổi tuyên truyền chuyên đề về đảm bảo an toàn cho trẻ, tiêu biểu như hoạt động giới thiệu về kiến thức chăm sóc và phát triển – vai trò và tầm quan trọng của phụ huynh vào cuối tháng 11 vừa qua. Ngoài ra, trong các buổi họp nhà trường, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên cẩn trọng trong quá trình trông nom trẻ.
Trường, lớp mầm non là nơi giáo dục trẻ em từ 3 tới 5 tuổi, do đó, đòi hỏi phải an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện, từ đó kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Mặc dù đến thời điểm này, đối với cấp học mầm non trên địa bàn cả tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào bị mất an toàn, tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm,… nhưng công tác đảm bảo an toàn vẫn cần được các trường mầm non nói riêng và ngành giáo dục nói chung chú trọng hơn nữa.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, tuyệt đối không sử dụng những phòng học và các trang thiết bị đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo các trường quán triệt giáo viên theo dõi sát sao các cháu trong các giờ hoạt động ngoài trời; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục những nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ.
Ý kiến ()