Chú trọng công tác lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục
(LSO) – Thực hiện Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về lựa chọn sách giáo khoa (SGK), thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã tích cực chỉ đạo các trường tổ chức đọc, nghiên cứu sách và gửi báo cáo đánh giá để xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn SGK chung của tỉnh.
Hiện nay, có 5 bộ SGK lớp 1 sẽ được sử dụng trong năm học tới gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và bộ Cánh diều. Ngày 30/1/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT về hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư đưa ra hai tiêu chí cơ bản để lựa chọn SGK, đó là: phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2020, vì vậy, việc cụ thể hóa tiêu chí chọn SGK của các địa phương phải hoàn thành cùng thời điểm này để các nhà trường tổ chức chọn SGK.
Giáo viên đọc, tham khảo SGK mẫu tại hội thảo giới thiệu SGK mới
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để các trường lựa chọn được bộ sách phù hợp, dựa trên thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sở đã chỉ đạo các trường và giáo viên cốt cán đánh giá về từng bộ sách, trên cơ sở đó để ngành xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn. Các bộ sách được lựa chọn sẽ dựa trên sự đánh giá của giáo viên và tổ giáo viên cốt cán, trong đó chú trọng đến sự phù hợp với năng lực học tập của học sinh; tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đặc biệt, các bộ sách phải phù hợp với yếu tố đặc thù và phù hợp với kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục của địa phương.
Theo quy trình chọn SGK, các trường tự thành lập hội đồng lựa chọn SGK cho đơn vị mình. Hội đồng có tối thiểu 11 thành viên, trong đó, 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. SGK được chọn phải đạt trên 50% phiếu bầu. Để chọn sách, yêu cầu bắt buộc là các thành phần tham gia vào hội đồng phải nghiên cứu hết 32 đầu sách. Hội đồng thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất và bỏ phiếu kín để lựa chọn từng đầu sách theo môn học, hoạt động giáo dục. Như vậy, việc lựa chọn SGK không nhất thiết phải theo bộ mà chọn theo từng môn học, hoạt động giáo dục.
Bà Lành Thị Huệ, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: Ngay khi được giao các bộ SGK mẫu, phòng đã bàn giao cho các trường nghiên cứu. Sau khi Sở GD&ĐT công bố tiêu chí lựa chọn, phòng sẽ chỉ đạo các trường thành lập hội đồng chọn sách họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do sở GD&ĐT địa phương quy định để bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa. Hiện nay, công tác đọc, nghiên cứu đã hoàn tất, các trường đang xây dựng kế hoạch dạy thử để khi học sinh đi học trở lại sẽ tiến hành dạy thử, đánh giá một cách chính xác ưu, nhược điểm.
Theo chia sẻ của các trường về thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ủng hộ việc chọn sách dựa theo tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, trước khi chọn SGK và trong quy trình lựa chọn cần có đợt sinh hoạt chuyên môn rộng rãi, tổ bộ môn chủ động nghiên cứu SGK để đánh giá nhận xét, tham vấn cho hội đồng về kết quả thảo luận chuyên môn. Qua đó sẽ giúp nhà trường lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất.
Để triển khai kịp thời cho việc thay sách lớp 1 phổ thông năm học 2020 – 2021, Bộ GD&ĐT đề ra lộ trình: đến tháng 3/2020, các địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập hội đồng chọn lựa SGK ở địa phương mình. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, các địa phương cùng tác giả, nhóm tác giả phải tổ chức tập huấn xong chương trình và SGK mới ở cấp tỉnh. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, tổ chức tập huấn xong ở cấp cơ sở trường học và các nhà xuất bản tiến hành in ấn, phát hành SGK mới đến tay học sinh để triển khai năm học mới vào đầu tháng 9/2020 như dự kiến.
Ý kiến ()