CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
LSO - Xác định rõ đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) quyết định chất lượng, hiệu quả công việc, do đó, những năm qua, để nâng cao chất lượng đội ngũ này, Lạng Sơn đã chú trọng và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt năm 2014, công tác này đã dần được đổi mới với yêu cầu nâng cao chất lượng các khóa đào tạo ngay từ khâu chọn mời giảng viên; xây dựng chương trình, lựa chọn nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp từng nhóm đối tượng và gắn với chức danh, vị trí việc làm
Lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tham gia tập huấn công tác thông tin đối ngoại do UBND tỉnh tổ chức
Ngay từ đầu năm 2014, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, trong đó xác định rõ nội dung, số lượng người được đào tạo, bồi dưỡng theo từng cấp ở tỉnh, huyện và xã một cách cụ thể. Cùng đó, tỉnh cũng chỉ rõ cần tranh thủ tối đa các nguồn lực vào thực hiện công tác này, ưu tiên và chú ý việc chọn, cử cán bộ đi đào tạo đại học và sau đại học dựa trên nhu cầu thực tiễn của tỉnh. Để nâng cao chất lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng, việc đầu tiên được xác định là chất lượng giảng viên mời.
Nếu như trước đây, việc mời giảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chưa đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với người được mời, chưa chú ý việc lựa chọn mời giảng viên ở các cơ sở đào tạo chất lượng… thì nay đã khác hẳn. Khi mời giảng viên, với nhiệm vụ được giao, Sở Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo chất lượng như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ công chức – Bộ Nội vụ, Trường Bồi dưỡng cán bộ – Bộ Tài chính… để mời giảng viên. Không chỉ vậy, việc mời giảng viên cũng đã chú trọng đến những chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm thực tiễn ở các bộ, ngành trung ương.
Cùng với yêu cầu về giảng viên, tỉnh đặc biệt quan tâm việc xây dựng chương trình học tập cũng như giáo trình giảng dạy phù hợp năng lực, trình độ thực tế của đội ngũ CBCCVC của tỉnh. Về chương trình, nội dung tài liệu học tập, thông thường, tài liệu bộ ngành trung ương cung cấp rất rộng, dàn trải, thời gian học tập kéo dài, do đó, cơ quan phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng chủ động lựa chọn và phối hợp biên soạn lại giáo trình, đồng thời bổ sung những mảng kiến thức thực tiễn địa phương sao cho sát hợp nhất với đội ngũ CBCCVC của tỉnh. Ví như khi bồi dưỡng các chức danh địa chính, môi trường, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn và bổ sung chuyên đề tình hình quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vào nội dung giảng dạy.
Những năm trước, công tác đánh giá chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng chưa được đề cao thì năm 2014 đã được quan tâm, tăng cường hơn. Để đánh giá chất lượng từng khóa học, các lớp đều thành lập ban tổ chức lớp học hoặc ban quản lý lớp thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đánh giá chất lượng học tập. Ngay buổi học đầu tiên, ban tiến hành phát phiếu thăm dò chương trình học, kiến thức chuyển tải trong khóa học, giáo trình và những đề xuất, kiến nghị của học viên. Kết thúc khóa học, ban tổ chức, ban quản lý lớp học đều có nhận xét, đánh giá toàn diện các mặt được, chưa được. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng đến các cơ quan, đơn vị có CBCCVC tham gia nêu rõ ưu, nhược điểm và kèm theo biểu chi tiết đánh giá về thành phần tham gia có đúng, trúng yêu cầu không.
Ông Nguyễn Khắc Phương, Trưởng Phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ cho biết: Tuy hiện nay, đề án vị trí việc làm chưa được phê duyệt nhưng thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh đã hướng theo chức danh và vị trí việc làm. Ví như tỉnh đã xây dựng và tổ chức lớp học chỉ dành riêng cho cán bộ xã hoặc công chức xã… Và cụ thể hơn nữa lại có lớp dành riêng cho công chức địa chính – xây dựng hay công chức tư pháp – hộ tịch, công chức văn hóa – xã hội… Đặc biệt, năm 2014 là năm đầu tiên tỉnh triển khai được lớp bồi dưỡng cho chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc các sở, ngành, UBND cấp huyện với tổng số 65 người.
Bằng sự chủ động, tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, năm 2014, toàn tỉnh đã có tổng số 5.255 CBCCVC ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, tăng 15% so với kế hoạch năm đề ra. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, năng lực, trình độ của đội ngũ CBCCVC đã được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc được giao. Anh Đàm Văn Hạnh, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan cho biết: Hằng năm, tôi đều tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Sau mỗi lớp như vậy, bản thân được định hướng chi tiết về chuyên môn nên đã vận dụng xử lý công việc nhanh và hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: Diệu Hằng
Ý kiến ()