Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên
– Nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, ngành tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, trọng tâm là việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên.
Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Hằng năm, phòng đều tham mưu cho lãnh đạo sở tổ chức các lớp tập huấn cho hòa giải viên trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hòa giải viên tại các tổ hòa giải mới thành lập hoặc có tỷ lệ hòa giải thành công thấp. Trong năm 2023, phòng đã tham mưu cho lãnh đạo sở đưa nội dung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở vào kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở đối với 100% tổ trưởng tổ hòa giải. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ hoà giải viên có trình độ, kiến thức pháp luật và có uy tín xã hội để thực hiện hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở.
Cán bộ Sở Tư pháp phát tờ rơi tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở cho người dân huyện Cao Lộc
Hiện toàn tỉnh có hơn 1.600 tổ hòa giải với hơn 10.800 hòa giải viên, đảm bảo 100% thôn, tổ dân phố đều có tổ hòa giải hoạt động. Hòa giải viên được bầu công khai tại cơ sở, là những người am hiểu pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, khả năng tuyên truyền, thuyết phục. Nội dung hoà giải ở cơ sở chủ yếu là những mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân về đất đai, đồi rừng, tài sản, hôn nhân gia đình… Hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu đơn thư khiếu kiện, tố cáo.
Để kịp thời cung cấp thông tin pháp luật cho hòa giải viên, các cấp, ngành chú trọng tổ chức các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời tập huấn kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2019 đến nay, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức được trên 160 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật với trên hơn 19.800 lượt người dự; Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 45 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại các huyện với hơn 8.500 lượt người tham dự; tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền pháp luật tại cấp xã cho hơn 1.000 lượt người tham dự. Nội dung triển khai tại các hội nghị đều gắn chuyên đề tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Riêng quý I/2023, Sở Tư pháp đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở cho hơn 700 người dự. Công tác tập huấn ngày càng đi vào chiều sâu, hướng về cơ sở, cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, “cầm tay chỉ việc” cho hòa giải viên.
Ông Vũ Xuân Lục, Bí thư chi bộ, Trưởng khu, Tổ trưởng tổ hòa giải khu 1, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Hơn 15 năm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, tôi thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn hòa giải ở cơ sở do các cấp tổ chức. Tôi nhận thấy các lớp tập huấn ngày càng đổi mới. Ví dụ như buổi tập huấn ngày 30/3/2023 vừa qua, cán bộ Sở Tư pháp đã đi sâu vào hướng dẫn kỹ năng, phạm vi, quy trình, nguyên tắc của hoạt động hòa giải ở cơ sở, với những nội dung cốt lõi, tình huống cụ thể, giúp chúng tôi dễ hiểu, dễ nhớ và dễ dàng áp dụng vào thực tiễn. Trung bình mỗi năm tổ hòa giải 3 – 5 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành đạt 90%.
Cùng đó, Sở Tư pháp chú trọng công tác cung cấp tài liệu, cẩm nang phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở, với nhiều hình thức như: cấp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, sách, đăng tải đề cương lên Trang Thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để hòa giải viên tiếp cận, tìm hiểu kiến thức về Luật Hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp cấp phát trên 40 đầu sách pháp luật hỗ trợ cho tủ sách pháp luật của 200/200 xã, phường, thị trấn với trên 20.000 cuốn sách; biên soạn và phát hành hơn 100.000 tài liệu, trong đó có tài liệu hướng dẫn về công tác hòa giải ở cơ sở; trên 35.000 bộ tài liệu, đề cương tuyên truyền, cẩm nang về các lĩnh vực pháp luật, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở.
Nhờ chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên, đã góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong Nhân dân, giảm số lượng vụ việc phải chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Giai đoạn 2019 – 2022, các tổ hoà giải trên địa bàn toàn tỉnh đã hoà giải thành 8.642./11.685 vụ việc, đạt 73%, cao hơn 7% so với giai đoạn năm 2015 – 2018.
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()