Chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
(LSO) – Thời gian qua, công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Các chỉ số về môi trường của tỉnh nằm trong giới hạn cho phép, bảo đảm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29, ngày 21/1/2009 của Ban Bí thư “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, các tổ chức chính trị – xã hội, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan đã tích cực tổ chức thực hiện nhiều hoạt động, hình thành nhiều phong trào, xây dựng mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 2 mô hình điểm về “khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường” được xây dựng tại thôn Pác Cú, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng và thôn Dốc Mới, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng. Sau năm 2009, khi thực hiện Chỉ thị 29, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng thành công 28 mô hình tại tất cả các huyện, góp phần nâng cao ý thức người dân trong phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ môi trường. Tại các thôn triển khai mô hình đã không còn hộ nghèo, đường làng ngõ xóm xanh – sạch – đẹp. Đồng thời, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 22 mô hình bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như các mô hình tự quản “bảo vệ môi trường ở khu dân cư”; “bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới”; “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; “tổ thu gom và xử lý rác thải”.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc xử lý môi trường tại bãi rác Tân Lang (Văn Lãng) do Công ty TNHH Huy Hoàng đầu tư
Các mô hình đã góp phần làm cho môi trường sống ngày một tốt hơn, và đã có ngày càng nhiều các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để thực hiện các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2009 – 2010 trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; đến giai đoạn 2011 – 2018 đã có khoảng 15 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này với giá trị đầu tư trên 123,7 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư lĩnh vực vệ sinh môi trường, tỉnh đã ban hành đơn giá dịch vụ, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và xử lý chất thải rắn đô thị để làm căn cứ thực hiện đấu thầu, lựa chọn các đơn vị có đủ khả năng, điều kiện, phương tiện thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đồng thời, công tác phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường đã được chính quyền các cấp quan tâm, thực hiện ngay trong quá trình thẩm định, cấp chứng nhận đầu tư cho các dự án. Từ năm 2009 đến nay, chính quyền các cấp đã phê duyệt được 173 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; xác nhận hơn 1.446 bản cam kết bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; cấp 154 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; thường xuyên đôn đốc các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để công tác bảo vệ môi trường được hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; triển khai quy hoạch phát triển khu chăn nuôi, giết mổ tập trung đảm bảo các yếu tố về môi trường; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái và ưu tiên giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài. Về phía sở, sẽ tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Từ năm 2009 đến năm 2018, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh tăng từ 87 % lên 93%; xử lý chất thải rắn y tế tăng từ 73% lên 96,5%; tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 90% lên 99% và tại nông thôn tăng từ 70% lên hơn 90%. Đồng thời lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý 3.944 vụ vi phạm về lĩnh vực môi trường, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 6 vụ 11 đối tượng; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 1.676 vụ đối với 1.612 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 15 tỷ đồng. |
ANH DŨNG
Ý kiến ()