Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di tích
– Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; nhiều di tích đã được đầu tư nguồn lực trùng tu, sửa chữa, tôn tạo, góp phần tích cực trong công tác giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh đẹp của Xứ Lạng đến du khách bốn phương.
Toàn tỉnh hiện có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 112 di tích lịch sử, 163 di tích kiến trúc nghệ thuật, 37 di tích khảo cổ, 23 di tích danh lam thắng cảnh. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Những năm qua, sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai các hoạt động thiết thực để phát triển di sản văn hóa, trong đó chú trọng gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Cùng đó, tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030”.
Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra thực tế tại di tích Chùa Tiên, thành phố Lạng Sơn
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2017 đến nay, Sở VHTT&DL đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm kê, tổng hợp, đánh giá, phân loại 1.117 điểm di tích; phối hợp tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan tới 11/11 huyện, thành phố cho hàng nghìn lượt người. Toàn ngành cũng đã lập hồ sơ khoa học thêm 16 di tích nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh lên 133 di tích (2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 102 di tích cấp tỉnh); tổ chức gần 20 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 80 lượt di tích; hỗ trợ ban quản lý di tích các cấp tổ chức gần 20 cuộc hội thảo về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Đặc biệt, từ cuối năm 2017 đến nay, hệ thống di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp quản lý và bảo vệ. Theo đó hiện nay, hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập ban quản lý di tích cấp huyện, xã để chỉ đạo, phát huy vai trò, tính chủ động trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di tích.
Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Cao Lộc hiện có 24 điểm, khu di tích, trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia và 12 điểm, khu di tích cấp tỉnh. Những năm qua, các cấp, ngành của huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy giá trị các di tích như: thành lập ban quản lý di tích tại cơ sở; ban hành quy chế quản lý hoạt động tại các di tích; ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các điểm di tích; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích… Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 10 di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã khoanh vùng, bảo vệ được 8 di tích và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 di tích.
Cùng với công tác chỉ đạo, tuyên truyền, các cấp, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh đã quan tâm tu bổ, tôn tạo để bảo tồn giá trị các di tích. Tiêu biểu, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách nhà nước, 5 năm qua, toàn tỉnh có 58 lượt di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí là trên 84 tỷ đồng (trong đó, nguồn lực xã hội hóa là chiếm 55,1%).
Các di tích sau khi được tôn tạo ngày càng thu hút đông khách du lịch. Được biết, giai đoạn 2017 – 2021, trung bình mỗi năm Lạng Sơn đón khoảng 2 triệu lượt khách, riêng năm 2022, toàn tỉnh đón gần 3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt trên 2.000 tỷ đồng. Chị Nguyễn Phương Thúy, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Tôi đã đi lễ chùa Tam Thanh và đền Mẫu Đồng Đăng từ năm 2015. Dịp tết dương lịch 2023, tôi có quay trở lại các di tích và khá bất ngờ với diện mạo mới nơi đây, khu vực chùa Tam Thanh được trang trí thêm hệ thống ánh sáng rất bắt mắt; tại Đền Mẫu từ khu vực cổng đền, khuôn viên sân đền tới gian đều khang trang, bề thế hơn. Chắc chắn tôi sẽ quay lại đây nhiều lần.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành VHTT&DL tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trong triển khai thực hiện công tác quản lý di tích; nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu, cứ liệu lịch sử – văn hóa vào hồ sơ di tích và kết nối tour tuyến tham quan du lịch gắn với giới thiệu, quảng bá về di tích, lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()