Chú trọng bảo tồn di sản văn hóa dựa vào cộng đồng
– Lạng Sơn là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Những năm qua, cùng với sự quản lý của chính quyền, việc phát triển văn hóa dựa vào sức mạnh cộng đồng luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng.
Người dân tham quan gian hàng trang phục truyền thống tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn năm 2023 –Ảnh: LA MAI
Di sản văn hóa (DSVH) là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong đó, cộng đồng đóng vai trò chủ thể sáng tạo ra các di sản văn hóa. Chính vì vậy, sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều giải pháp, phát huy vai trò của cộng đồng.
Nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào
Trước hết, nhắc tới văn hóa Lạng Sơn là nhắc tới văn hóa của các dân tộc hiện đang sinh sống tại đây với 7 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông. Mỗi dân tộc tập trung ở một số khu vực, địa bàn nhất định, tạo nên những bản sắc văn hóa riêng, thể hiện đặc trưng qua các phong tục, tập quán, dân ca dân vũ… Đây cũng chính là cộng đồng sáng tạo và giữ vai trò quan trọng then chốt trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Lạng Sơn.
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL, Lạng Sơn hiện có 8 DSVH phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia; 1 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của người Tày, Nùng).
Cùng với đó, hệ thống di sản vật thể của tỉnh vô cùng đa dạng, phong phú. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 112 di tích lịch sử; 163 di tích kiến trúc nghệ thuật; 37 di tích khảo cổ; 23 di tích danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 280 lễ hội, trong đó, 247 lễ hội truyền thống, trên 90% là lễ hội lồng tồng (xuống đồng).
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh cho biết: Lạng Sơn là nơi hội tụ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào. Những di sản này không chỉ phục vụ cho phát triển du lịch, mà quan trọng và thiêng liêng hơn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Xứ Lạng. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh chứa đựng những giá trị to lớn mà tỉnh Lạng Sơn sở hữu, nếu phát huy tốt thì sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Và để bảo tồn tốt nguồn di sản này cần phát huy triệt để vai trò của cộng đồng, chủ thể sáng tạo và nắm giữ di sản.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hoá, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền…
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực khơi dậy, phát huy các giá trị di sản văn hoá, trong đó đặc biệt chú trọng tới vai trò của cộng đồng. Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; ngày 31/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 28-KL/TU về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU.
Theo đó, các cấp, ngành đã chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Hằng năm, Sở VHTT&DL ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản pháp luật như: Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009; nghị quyết về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh cùng nhiều văn bản liên quan khác đến cộng đồng dân cư để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa; thành lập các mô hình, ban quản lý di tích mang tính cộng đồng tự quản, do Nhân dân tự trông nom hoặc kết hợp vai trò tự quản của cộng đồng với sự trợ giúp của Nhà nước.
Người dân xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia trình diễn hát dân ca tại ngày hội Háng Pò năm 2023
Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng); lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn); lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Phài Lừa (Bình Gia); lễ hội Bủng Kham (Tràng Định); lễ hội Bắc Nga (huyện Cao Lộc); múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; hát Sli dân tộc Nùng; Then Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; 2 di sản văn hoá phi vật thể được tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại gồm di sản Then và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. |
Bảo tồn, phát huy bản sắc
Từ năm 2017 đến nay, Sở VHTT&DL đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm kê, tổng hợp, đánh giá, phân loại 1.117 điểm di tích; phối hợp tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật DSVH và các văn bản liên quan tới 11/11 huyện, thành phố cho hàng nghìn lượt người.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2017 đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH thông qua các hình thức như: các cuộc họp thôn, khối phố; tổ chức các buổi tập huấn; qua các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch; gắn việc bảo tồn DSVH với thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Cụ thể, thành phố đã chú trọng tới việc tạo không gian để người dân trình diễn các nét đẹp DSVH tại Phố đi bộ Kỳ Lừa; hình thành 5 câu lạc bộ (CLB) đàn và hát dân ca trên địa bàn với hơn 100 thành viên và trên 80 gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công, ẩm thực truyền thống của người dân… Đây là những nhân tố tích cực trong việc trình diễn, giới thiệu di sản đến du khách.
Cùng với thành phố Lạng Sơn, tại các huyện trong tỉnh, việc thành lập, nhân rộng các đội, câu lạc bộ văn hóa dân gian được đẩy mạnh. Đây là mô hình do người dân quản lý và duy trì hoạt động, đề cao vai trò cộng đồng. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có trên 20 đội, CLB văn hóa dân gian được thành lập, nâng tổng số lên gần 200 đội, CLB văn hóa dân gian với hơn 2.000 hội viên, tiêu biểu như: Đội múa sư tử mèo thôn Cốc Lào (xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng); CLB Sình ca Cao Lan (xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng); CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Mông Đen (xã Cao Minh, huyện Tràng Định); CLB Điếp Sli Then (xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc)…
Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven, Chủ nhiệm CLB Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: CLB được thành lập từ năm 2017. Sau hơn 5 năm hoạt động, số hội viên CLB tăng từ 18 lên 24 người. Trong đó, có 13 hội viên ở độ tuổi từ 10 -15. Ngoài các lớp truyền dạy cho hội viên lớn tuổi vào các buổi tối, CLB còn mở thêm lớp học hát dân ca cho các hội viên nhỏ tuổi vào các ngày cuối tuần. Hoạt động của CLB đã giúp các em nhỏ ngày càng hiểu và yêu dân ca của dân tộc.
Cùng với việc bảo tồn các DSVH phi vật thể, thời gian qua, các DSVH vật thể trên địa bàn tỉnh cũng được bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả từ chính cộng đồng – những chủ thể văn hóa đang trực tiếp sở hữu di sản. Được biết, hiện nay các di tích trên địa bàn tỉnh đều có ban khánh tiết hoặc người đại diện là người dân trong vùng di sản. Nhờ đó, các di tích đã được tu bổ, phục hồi từ nguồn kinh phí xã hội hóa do người dân đóng góp với tổng kinh phí đầu tư từ năm 2016 đến nay đạt trên 261 tỷ đồng, toàn tỉnh có 79 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi.
Ngoài ra, các hoạt động tổ chức, phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh hàng năm vẫn được duy trì thường xuyên, trong đó 90% số lễ hội trong tỉnh đều huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Trung bình, mỗi lễ hội có kinh phí tổ chức từ 30 triệu đồng đến 400 triệu đồng, cá biệt có lễ hội kinh phí tổ chức lên đến 2 tỷ đồng (hội đền Bắc Lệ).
Bên cạnh đó, những năm gần đây, sự phát triển của mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa tại các huyện Hữu Lũng, Bình Gia, Bắc Sơn đã góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo các dân tộc, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Trong thời gian tới, ngành VHTT&DL tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các DSVH vật thể và phi vật thể, trong đó có sự tham gia của cộng đồng, xã hội. Đồng thời, chú trọng công tác bảo lưu ngôn ngữ, khôi phục các trò chơi, trò diễn, dân ca và tổ chức các lễ hội…
Ý kiến ()