Chú trọng an toàn chuồng trại
LSO-Những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển. Chăn nuôi nông hộ ngày càng được mở rộng về quy mô. Cùng với đó, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi cũng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngoài chuyển biến về nhận thức thì người chăn nuôi cũng chú trọng tới an toàn chuồng trại.
Trại chăn nuôi gia cầm được đầu tư đảm bảo tốt an toàn dịch bệnh của gia trại Cường Hạnh, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn |
TIÊU HỦY GẦN 2 TẤN LỢN NGÀY CẬN TẾT
Từ khi mở rộng quy mô chăn nuôi nông hộ lên bình quân 40 con lợn mỗi lứa, gia đình chị Phan Thị Xuyến (số 13, khối 6, phường Tam Thanh) ngày càng gắn bó với cơ quan thú y. Mọi quy trình tiêm phòng được gia đình tuân thủ nghiêm ngặt. Năm 2014, gia đình chị Xuyến quyết định đầu tư chăn nuôi thêm lợn rừng và lợn lai rừng. Thế nhưng ăn xong tết ông Công, ông Táo vừa qua, đàn lợn của gia đình chị Xuyến bỗng đổ bệnh. Nghe gia đình tả triệu chứng, cán bộ thú y nhanh chóng kiểm tra và nhận định: đây là triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng, biện pháp để ngăn chặn lây lan lúc này là tiêu hủy.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y kể: ngày 13/2/2015, qua kiểm tra, trong tổng số 34 con lợn đã có 7 con xuất hiện triệu chứng điển hình. Cơ quan chuyên môn động viên người chăn nuôi: trước tiên là tiêu hủy số mắc bệnh này, sau đó theo dõi thêm, nhưng nếu các con khác xuất hiện triệu chứng thì cũng phải tiêu hủy mới đảm bảo an toàn.
Đàn lợn 34 con là tài sản lớn đối với gia đình chị Xuyến, nhưng đến ngày 14/2/2015, triệu chứng điển hình của lở mồm long móng đã lan ra cả đàn. Tiêu hủy là việc bắt buộc.
AN TOÀN CHUỒNG TRẠI ĐỂ PHÒNG DỊCH
Mở rộng quy mô chăn nuôi nông hộ, gia đình chị Xuyến đã rất chú trọng tới an toàn dịch bệnh. Triển khai đầy đủ các biện pháp tiêm phòng và luôn phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan thú y. Ngay khi xảy ra bệnh, gia đình cũng không dấu dịch, mà rất hợp tác trong tiêu hủy. Điều này cho thấy ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh đã có rất nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, khi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị Xuyến, chúng tôi nhận thấy còn khá nhiều bất cập. Vệ sinh chăn nuôi cơ bản được xử lý tốt với hệ thống biogas, nhưng việc cách ly khu vực chăn nuôi với môi trường, sinh hoạt thường ngày bên ngoài chưa tốt. Chưa có hình thức sát trùng nào khi bước vào khu trại chăn nuôi, do vậy rất dễ để các mầm bệnh xâm nhiễm. Bà Phạm Nga, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: cũng rất khó để truy xuất nguồn gốc mầm bệnh xâm nhiễm từ đâu, bởi thực chất có rất nhiều nguồn có thể lây lan vào mà người chăn nuôi chưa lường hết được, bởi hệ thống chuồng trại, khu cách ly, khu khử trùng hầu như chưa có.
Chúng tôi đã có dịp tham quan khá nhiều các trang trại, gia trại chăn nuôi có quy mô lớn như trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã Hợp Thịnh (Cao Lộc), khu chăn nuôi có rất nhiều phân khu và hàng ngày chỉ có 2 chuyên gia ở trong khu trại này, khu sát trùng được đầu tư hiện đại đảm bảo hạn chế tối đa nguồn bệnh xâm nhiễm. Các trang trại có quy mô nhỏ hơn như gia trại chăn nuôi gia cầm Cường Hạnh (Mai Pha, thành phố Lạng Sơn), hệ thống khử trùng, cách ly khu chăn nuôi với bên ngoài cũng rất tốt và đây được coi là khâu quan trọng nhất để gia trại phát triển và hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, điều này đối với những hộ gia đình mới bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi không phải là việc dễ. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao nhận thức, hướng dẫn người chăn nuôi về an toàn dịch bệnh thông qua các lớp tập huấn thì cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Để biến những kiến thức đã được hướng dẫn thành kỹ năng của từng hộ chăn nuôi áp dụng trong thực tế, phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình.
Đầu xuân mới, khi chúng tôi đến thăm, anh Hoàng Mạnh Tiến (chồng chị Phan Thị Xuyến) đang tất bật vệ sinh khử trùng lại mấy gian chuồng. Anh bảo: vừa rồi có nhiều đoàn, có cả lãnh đạo thành phố đến động viên, gia đình tôi cảm động lắm, cảm thấy được chia sẻ nhiều. Quyết tâm sang năm mới sẽ tái đàn lại, nhưng cũng sẽ nhờ cơ quan thú y hướng dẫn để bố trí hệ thống chuồng trại cho hợp lý, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình, bình quân mỗi hộ gia đình nông dân nuôi 1-2 con trâu, bò; 2-4 con lợn và 10-15 con gia cầm các loại. Số đầu gia súc, gia cầm được nuôi theo quy mô hộ gia đình, trong đó đàn trâu, quy mô trang trại, gia trại chỉ chiếm 0,11%; quy mô trang trại, gia trại lợn chỉ chiếm 0,9% và quy mô trang trại, gia trại gia cầm chiếm 2%. Tính riêng chăn nuôi gia cầm, thì chỉ có 27% chuồng trại đạt tiêu chuẩn. Các loại hình chăn nuôi khác, tỷ lệ chuồng trại đạt tiêu chuẩn thấp hơn nhiều. Việc đầu tư, xây dựng chuồng trại đạt tiêu chuẩn cũng là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo cho chăn nuôi phát triển bền vững.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()