Chủ tịch xã tham gia ban đại diện: Nâng cao hiệu quả quản lý vốn
LSO- Từ tháng 6/2015, trên địa bàn tỉnh, 100% chủ tịch xã là thành viên của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) cấp huyện. Ban đại diện được bổ sung thành viên đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn chính sách từ cơ sở.
Ngân hàng CSXH thực hiện nhiệm vụ đưa các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hầu hết hoạt động của Ngân hàng CSXH diễn ra ở cơ sở như tuyên truyền, giao dịch, quản lý vốn… Trước đây, chủ tịch xã tham gia các hoạt động của Ngân hàng CSXH như: chứng thực hồ sơ, xử lý nợ, tham gia các ý kiến về quản lý nợ… Tuy nhiên, việc tham gia này chưa hợp thức hoá, chưa có sự ràng buộc, vai trò trách nhiệm chưa cao. Khi là thành viên chính thức của Ban đại diện cấp huyện, chủ tịch xã được phân công nhiệm vụ quản lý vốn tại xã, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã và cuộc họp của Ban đại diện huyện. Ông Vi Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Y Tịch, huyện Chi Lăng cho biết: “Là thành viên của ban đại diện, trước các cuộc họp ban đại diện đều phải chuẩn bị nội dung họp. Tại cuộc họp, báo cáo tình hình thực hiện chính sách vốn tại địa bàn, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, có kiến nghị, đề xuất… Đồng thời tiếp thu các ý kiến chỉ đạo và nắm rõ tinh thần chỉ đạo của ban đại diện. Nhờ đó, chỉ đạo thực hiện chính sách tín dụng ở xã kịp thời, hiệu quả hơn”.
Hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH Cao Lộc tại xã Gia Cát
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Chủ tịch xã tham gia ban đại diện đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã và nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng ở cơ sở. Cụ thể là có sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền với Ngân hàng CSXH chặt chẽ hơn. Việc chỉ đạo đối với ban giảm nghèo xã, trưởng thôn quyết liệt hơn, công tác phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện các chính sách vốn, quản lý vốn tốt hơn. Đặc biệt, chủ tịch xã tham gia ban đại diện, các chương trình tín dụng được triển khai gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương như kế hoạch giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới… Qua đó, hoạt động của Ngân hàng CSXH ở cơ sở thuận lợi hơn, chất lượng tín dụng được nâng cao.
Từ sau kiện toàn ban đại diện hội đồng quản trị cấp huyện có thêm chủ tịch xã, các biện pháp quản lý vốn như: đôn đốc, vận động, mời lên trụ sở UBND xã làm việc, cho ký cam kết trả nợ… được thực hiện quyết liệt hơn; tuyên truyền, triển khai chính sách vốn nhanh hơn. Đối với việc bình xét đối tượng vay, chủ tịch xã chỉ đạo sát sao các thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn nên việc phối hợp bình xét công khai, dân chủ hơn, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Cao Lộc cho biết: Nhờ công tác phối hợp tốt từ cơ sở, Ngân hàng CSXH huyện cũng xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn nhanh và chính xác hơn. Hiện nay, các xã đều đang tích cực phối hợp tuyên truyền và triển khai cho vay nguồn vốn giao mới 10 tỷ đồng đến các thôn, người dân.
Có thể khẳng định, từ khi chủ tịch xã tham gia ban đại diện, vai trò, trách nhiệm quản lý vốn của UBND cấp xã được phát huy. Trong toàn chi nhánh tỉnh, các tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố kịp thời, chính sách vốn được triển khai hiệu quả. Chất lượng tín dụng từng bước nâng cao, nợ quá hạn giảm. Hiện nay, nợ quá hạn chỉ còn chiếm 0,26% tổng dư nợ.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()