Chủ tịch UBND xã tham gia ban đại diện: Nâng hiệu quả quản lý vốn
(LSO) – Sau hơn 4 năm thực hiện chủ trương bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) cấp huyện, 100% chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò của chính quyền trong việc chỉ đạo, quản lý và triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi ở cơ sở.
Thực hiện nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hầu hết các hoạt động của NHCSXH đều diễn ra ở cơ sở như: giao dịch, tuyên truyền, quản lý vốn… Do vậy, chủ tịch UBND xã có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý nguồn vốn. Tuy nhiên, trước đây, chủ tịch UBND xã chỉ tham gia các hoạt động của NHCSXH như: chứng thực hồ sơ, xử lý nợ, tham gia các ý kiến về quản lý nợ…, việc tham gia đó chưa có sự ràng buộc nên vai trò, trách nhiệm của chủ tịch xã chưa cao. Khi là thành viên chính thức của Ban đại diện cấp huyện, chủ tịch UBND xã được phân công nhiệm vụ quản lý vốn tại xã, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã cũng như các cuộc họp Ban đại diện huyện.
Người dân thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc
Xã Cường Lợi, huyện Đình Lập là một trong những xã thực hiện tốt công tác quản lý vốn và triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến nay, tổng dư nợ toàn xã đạt trên 10 tỷ đồng, với trên 200 hộ còn dư nợ, đặc biệt, khoảng 4 năm trở lại đây, xã không có nợ quá hạn, toàn xã có 8 tổ tiết kiệm và vay vốn đều xếp loại tốt. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo xã.
Ông Nông Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Cường Lợi cho biết: Từ khi trở thành thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện, tôi thường xuyên tham gia họp giao ban với NHCSXH tại xã. Ngoài ra, tham gia các cuộc họp định kỳ của Ban đại diện HĐQT cấp huyện để kịp thời nắm bắt chính sách tín dụng mới, có ý kiến, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách để được kịp thời tháo gỡ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Chủ trương bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào ban đại diện HĐQT cấp huyện được thực hiện từ năm 2015. Từ đó đến nay, chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Khi có sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền với ngân hàng được thực hiện thuận lợi. Việc chỉ đạo đối với ban giảm nghèo xã, trưởng thôn quyết liệt hơn, công tác phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện các chính sách vốn, quản lý vốn tốt hơn. Đặc biệt, khi chủ tịch UBND xã tham gia ban đại diện, các chương trình tín dụng được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của xã như: các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, hoạt động của NHCSXH được triển khai ở cơ sở thiết thực, hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao.
Cùng với đó, từ khi chủ tịch UBND xã được bổ sung vào ban đại diện HĐQT cấp huyện, các biện pháp quản lý vốn như: đôn đốc, thu hồi nợ quá hạn, xử lý các vấn đề phát sinh, xác minh các trường hợp hộ vay bị rủi ro… được thực hiện quyết liệt. Đối với việc bình xét đối tượng vay, chủ tịch UBND xã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể xã, các thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn nên việc phối hợp bình xét công khai, dân chủ, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, việc bố trí nơi giao dịch, bàn ghế, an ninh, đảm bảo hoạt động giao dịch tại xã diễn ra an toàn, hiệu quả.
Có thể khẳng định, từ khi chủ tịch UBND xã tham gia ban đại diện, vai trò, trách nhiệm quản lý vốn của UBND cấp xã được phát huy hiệu quả. Trong toàn chi nhánh tỉnh, chương trình vốn được triển khai hiệu quả; các tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố kịp thời. Chất lượng tín dụng từng bước nâng cao. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai trên địa bàn tỉnh là 2.870 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn chỉ còn chiếm 0,09% tổng dư nợ (năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,34%).
KIM HUYÊN
Ý kiến ()