Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du thúc đẩy ổn định trong biến động
Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.
Tại Pháp, ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron và trao đổi quan điểm về quan hệ Trung Quốc - Pháp, Trung Quốc-EU cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông Tập Cận Bình đến Pháp sau 5 năm. Tại điểm dừng chân tiếp theo, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Serbia Nemanja Vucic; đánh giá việc nâng cao định vị quan hệ Trung Quốc - Serbia và đưa ra phương hướng phát triển mối quan hệ trong tương lai. Đây là chuyến thăm Serbia thứ hai của ông Tập Cận Bình sau 8 năm, có ý nghĩa cột mốc quan trọng trong việc cải thiện và nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Năm nay đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hungary, mối quan hệ mà Thủ tướng Hungary Viktor Orban đánh giá là “đang đạt đến tầm cao chưa từng có”. Hungary hiện là điểm đến chính ở châu Âu cho đầu tư của Trung Quốc vào pin xe điện.
Theo đánh giá của ông Vương Nghĩa Quỳ - Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, trong 3 quốc gia này có nước lớn ở Tây Âu, đại diện ở Đông Âu và quốc gia ở khu vực Balkan; có nước nằm trong EU, ngoài EU. Do đó, chuyến thăm thể hiện sự trọng thị của Trung Quốc đối với châu Âu. Ông cho rằng, kết quả thực chất của chuyến thăm sẽ không chỉ thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc với Pháp, Serbia và Hungary mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-EU. Mối quan hệ Trung-Pháp có thể dẫn dắt sự phát triển của quan hệ giữa Trung Quốc và các nước lớn phương Tây. Trong khi đó, bà Kim Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Trung Quốc, nhận định châu Âu cần xem xét lại quan điểm đối với Trung Quốc và quay trở lại khía cạnh quan hệ đối tác chiến lược. Xét cho cùng, lợi ích chung giữa Trung Quốc và EU vượt xa những khác biệt và trước những thách thức toàn cầu, cả hai bên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác cùng nhau.
Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng, quan hệ Trung Quốc-EU không chỉ liên quan đến sự phát triển trong tương lai của cả hai bên mà còn có tác động quan trọng đến quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương. Sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-EU sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Bởi vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới châu Âu lần này có ý nghĩa như một đòn bẩy thúc đẩy sự ổn định trong một thế giới nhiều biến động.
Ý kiến ()