Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban về các vấn đề Xã hội và Ủy ban Pháp luật
Tiếp tục chương trình làm việc với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 26-4, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Cùng tham dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác đại biểu; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc với Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Thường trực Ủy ban đã chuẩn bị nghiêm túc các báo cáo, ý kiến phát biểu của thành viên thường trực ủy ban thẳng thắn, tâm huyết, sát thực, đồng thời có kiến nghị, đề xuất cụ thể trong các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện được tầm nhìn chiến lược.
Lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao hoạt động của Ủy ban về các vấn đề Xã hội trong các nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Ủy ban đã đoàn kết, năng động, tranh thủ được trí tuệ của các bộ, ngành, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao. Ủy ban về các vấn đề Xã hội có nhiều sáng kiến, đổi mới trong hoạt động, là một trong số ít cơ quan của Quốc hội đã thực hiện được quyền sáng kiến lập pháp, giải trình, tham vấn công chúng, thẩm tra các dự án luật căn cơ, thể hiện ở việc các luật do Ủy ban chủ trì, thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý, đều đi vào cuộc sống.
Cơ bản nhất trí với các định hướng hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban và Vụ các vấn đề Xã hội cần nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban trong các lĩnh vực như lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bình đẳng giới, thường trực nhóm nữ nghị sĩ đều là những vấn đề khó, nhậy cảm và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Nhấn mạnh, quan điểm của Đảng về văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban không chỉ quan tâm đến các vấn đề xã hội thuộc lĩnh vực phụ trách mà còn phải hết sức quan tâm đến khía cạnh xã hội trong các vấn đề kinh tế và tính kinh tế trong các chính sách xã hội, đó chính là tính Đảng, tính chính trị trong phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cần chủ động rà soát khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; chủ động xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trên tất cả các mặt công tác lập pháp, giám sát và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, đặc biệt phải mang hơi thở của cuộc sống vào nghị trường Quốc hội, vào trong từng dự án luật.
Trong đó, cần bám sát các nội dung về quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội đã được nêu rất đầy đủ, toàn diện tại Nghị quyết Đại hội XIII và các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng với tám nhóm vấn đề lớn; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về chăm sóc sức khỏe nhân dân, các vấn đề về dân số… Từ đó, có những định hướng dài hạn trong xây dựng pháp luật, để Quốc hội ngày càng chủ động hơn trong việc thực hiện vai trò lập pháp.
Trên cơ sở lĩnh vực được giao, Ủy ban về các vấn đề của Xã hội cần tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội các vấn đề giám sát sao cho hiệu quả, đặc biệt là cần công khai kết quả giám sát, trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu.
Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban về các vấn đề Xã hội có 52 thành viên, trong đó có 17,3% là đại biểu chuyên trách ở Trung ương, 34,6% đại biểu chuyên trách tại địa phương, 48,1% đại biểu kiêm nhiệm.
Trong hoạt động giám sát, Ủy ban là ủy ban đầu tiên của Quốc hội thực hiện thí điểm tổ chức phiên giải trình (tháng 4-2010). Sau này, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã quy định giải trình là một trong những hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Đến nay, Ủy ban tổ chức được 16 phiên giải trình; thường xuyên tổ chức các phiên làm việc, chất vấn mang tính chất như giải trình để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về các vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm…
Chiều cùng ngày, tại buổi làm việc với Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong thành công của Quốc hội có vai trò đóng góp rất lớn của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban đã thực hiện khối lượng công việc nhiều, hình thức đổi mới, mô hình, cách làm hay, đặc biệt có những dấu ấn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ủy ban Pháp luật đã giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với toàn bộ 24 luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và 10 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua. Ủy ban đã được Quốc hội giao nội dung giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
Trên cơ sở giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban Pháp luật đã chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát chuyên đề việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô, tổ chức các phiên giải trình về việc thực hiện những vấn đề liên quan đến vướng mắc, bất cập áp dụng pháp luật và gây bức xúc trong xã hội, hoặc làm ảnh hưởng hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Cơ bản nhất trí với các đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đề xuất trình Quốc hội ban hành một nghị quyết xác định những nguyên tắc và định hướng cơ bản về xây dựng pháp luật trong cả nhiệm kỳ không có gì mâu thuẫn với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, điều này sẽ bảo đảm tính chủ động, vai trò dẫn dắt của Quốc hội trong hoạt động lập pháp và hoàn thiện thể chế cũng như bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật, phối hợp Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, cùng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số dự án luật nếu thấy cần thiết.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức 35 phiên họp toàn thể, trong đó có sáu phiên họp trực tuyến để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19. Ủy ban đã chủ trì thẩm tra 12 dự án luật, năm nghị quyết của Quốc hội, tám nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban còn thực hiện tham gia thẩm tra, phối hợp tiếp thu, chỉnh lý đối với 69 dự án luật, 16 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, hai dự án pháp lệnh, 11 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác chủ trì thẩm tra.
Ý kiến ()