Chủ tịch Quốc hội tới Giang Tô, bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam kể từ sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo đặc phái viên TTXVN, trưa 8/7 (theo giờ địa phương), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới sân bay Lộc Khẩu, thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8-12/7 theo lời mời của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Nhân đại – Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư.
Đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn tại sân bay Lộc Khẩu có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng xã hội Nhân đại Trung Quốc Giang Tiểu Quyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Giang Tô Ngụy Quốc Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Ngoại sự Nhân đại tỉnh Giang Tô Ty Cẩm Tuyền.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Ninh Thành Công, một số cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Giang Tô…
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam kể từ sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc .
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tập trung trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác đã ký năm 2015 giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc; tăng cường trao đổi đoàn cấp lãnh đạo Quốc hội, đoàn cấp Ủy ban, cơ quan chuyên môn, Nhóm nghị sỹ hữu nghị của Quốc hội hai nước; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng pháp luật; phối hợp trong công tác giám sát các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm cũng như phối hợp tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế…/.
Ý kiến ()