Chủ tịch Quốc hội tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới châu Á -TBD
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các chương trình, dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ phù hợp định hướng của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại buổi tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương vào chiều nay 26/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các chương trình, dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ được xây dựng dựa trên cơ sở chú trọng phát triển theo chiều sâu, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn mới nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng gặp lại người bạn cũ đã từng công tác tại Việt Nam, nhân dịp bà đến dự Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 tại Đà Nẵng; cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, sự quan tâm đóng góp tích cực và hiệu quả của bà trong việc tăng cường quan hệ giữa Ngân hàng Thế giới với Việt Nam, góp phần thúc đây sự phát triển chung của Việt Nam trong những năm qua.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương đã đề cập đến hai vấn đề lớn với Chủ tịch Quốc hội đó là ảnh hưởng của môi trường và nợ công tại Việt Nam. Vấn đề môi trường ngày càng quan trọng đối với các nước trên toàn cầu cũng như Việt Nam vì nó tác động đến sự phát triển của mỗi quốc gia, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, Việt Nam hiện có nhiều thách thức liên quan đến môi trường nước, đất, không khí.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương cho rằng, hiện một số nước đã có cơ chế hiệu quả khi họ đưa ra điều luật phạt thật nặng những tác nhân gây ô nhiễm môi trường; Quốc hội Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước này.
Chúc mừng Quốc hội và Chính phủ Việt Nam về những thành quả kinh tế đã đạt được trong 6 tháng đầu năm và dự đoán GDP năm 2018 sẽ đạt 6,8%, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương đánh giá, cán cân kinh tế ở Việt Nam đang khá ổn định khi tỉ lệ nợ công trên tăng trưởng GDP đang ở mức cho phép. Những kết quả ấn tượng này có được một phần nhờ vào công tác lập pháp của Quốc hội đã xây dựng và ban hành nhiều đạo luật quan trọng.
Bà Vitoria KwaKwa mong muốn, trong thời gian tới, Việt Nam có hướng giải quyết thận trọng về vấn đề này; đồng thời đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ trần nợ công.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn những khuyến cáo của Ngân hàng thế giới về vấn đề môi trường và khẳng định, người dân Việt Nam rất có ý thức để bảo vệ môi trường. Các vụ việc vi phạm đều bị phát hiện và xử lý nghiêm. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường hiện cũng đã được đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội. Cùng với đó, các đạo luật chuyên ngành khác cũng có những quy định hết sức nghiêm ngặt về đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường, không cho phép “núp bóng” chuyển giao công nghệ để đưa vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu, biến Việt Nam thành “bãi rác công nghệ”… Việt Nam đang quan tâm thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ các cam kết này.
Về vấn đề nợ công, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam vừa sửa đổi Luật quản lý nợ công và quy định này không gây cản trở cho các bộ ngành thực hiện việc quản lý nợ công. Với thẩm quyền của mình, Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ về vấn đề này.
Nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Ngân hàng thế giới nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam nói riêng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ngân hàng thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để hoàn thiện xây dựng chính sách và khuôn khổ pháp lý để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm hài hòa xã hội và bền vững nguồn tài nguyên, môi trường.
Ngoài việc hỗ trợ các chương trình, dự án, Việt Nam mong muốn Ngân hàng thế giới tăng cường hỗ trợ tư vấn chính sách để giúp Việt Nam ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế – xã hội.
Về vấn đề tốt nghiệp IDA hay nói một cách khác là việc dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA), thuộc Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch và Ngân hàng thế giới tiếp tục dành cho Việt Nam cơ chế hỗ trợ chuyển đổi tốt nghiệp hiệu quả, đảm bảo duy trì bền vững những thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội và xóa đói giảm nghèo mà Ngân hàng thế giới đã góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ngân hàng thế giới tiếp tục hoãn, chưa áp dụng vị thế trả nợ nhanh đối với Việt Nam trong kỳ IDA 18, giai đoạn 2017-2020, dự kiến sẽ được Ngân hàng thế giới và IDA đưa ra đánh giá giữa kỳ vào cuối năm nay. Việc Việt Nam chưa phải trả nợ nhanh giúp giảm gánh nặng cho ngân sách trong bối cảnh nguồn thu còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư cao và cho Việt Nam thêm thời gian để dần làm quen với nguồn vốn thị trường khi khả năng Việt Nam tiếp cận với các nguồn vốn này còn hạn chế./.
Ý kiến ()