Chủ tịch Quốc hội tiếp đại diện một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc
Tại các buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, minh bạch, là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài kể cả trong điều kiện có dịch.
Nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, sáng 14/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Cho Huyn-sang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung; ông Lim Byeong-yong, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn GS Engineering & Construction; ông Pyun Jung-bum, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Kyobo; ông Suh Kyung-bae, Chủ tịch Tập đoàn Amorepacific; và ông Park In-ku, Phó Chủ tịch Tập đoàn Dongwon.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tại cuộc tiếp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, ông Cho Huyn-sang, bày tỏ cảm kích trước nỗ lực của các công nhân Việt Nam đang làm cho tập đoàn khi phải sản xuất trong bối cảnh khó khăn theo mô hình 3 tại chỗ để hoàn thành các kế hoạch kinh doanh.
Lãnh đạo tập đoàn đồng thời kiến nghị một số vấn đề trong quá trình đầu tư tại Việt nam, trong đó có việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với công ty Hyosung Vina Chemicals, đề nghị sớm triển khai xây dựng đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch và sớm phê duyệt chi tiết mở rộng khu công nghiệp Tam Thăng-Quảng Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh hiện Việt Nam đang chuyển sang trạng thái mới theo hướng thích ứng với dịch bệnh, đồng thời đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay sẽ bao phủ 100% vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, việc phòng chống dịch được phân theo từng vùng, từng cấp độ chứ không áp dụng đại trà như trước nhằm đảm bảo sản xuất và chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tập đoàn Hyosung phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để chủ động tháo gỡ vướng mắc trong việc hoàn thuế; đồng thời cho biết dự án đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch đang được đẩy nhanh tiến độ để khởi công vào quý 1 năm sau.
Tiếp Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn GS Engineering & Construction (GS E&C) Lim Byeong-yong, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của tập đoàn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng tại Việt Nam, nêu rõ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ, năng lực và kinh nghiệm tham gia đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược về giao thông, đô thị lớn, y tế, năng lượng, hạ tầng số.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết vừa qua, Việt Nam đã ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với 157 dự án trong nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời cho rằng ngoài các dự án đã triển khai, nếu GS E&C có các dự án được triển khai trong dịp này là rất ý nghĩa. Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ghi nhận một số kiến nghị của lãnh đạo tập đoàn về dự án BT Tân Sơn Nhất-Bình Lợi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát để giải quyết, đồng thời đề nghị tập đoàn chủ động phối hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội Việt Nam đang tập trung hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát để bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi hiệu quả.
Tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm nhân thọ Kyobo, ông Pyun Jung Bum, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, cho biết thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn tuy nhiên sự cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, đặc biệt hướng đến chuyển đổi số là một trong những ưu tiên của Việt Nam.
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự kiến sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ ba vào tháng 5 năm sau nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hướng đến sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các loại hình bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm vi mô.
Lãnh đạo Tập đoàn Kyobo cho biết là 1 trong 3 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Hàn Quốc, với chiến lược mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á, Kyobo luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam.
Tập đoàn hiện đang làm việc với Bảo hiểm Bảo Long và BIDV Metllife theo hướng mua cổ phần và coi như đây là 1 trong những bước chân đầu tiên vào thị trường Việt Nam, đồng thời mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chăm sóc sức khỏe và các công ty khởi nghiệp để đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Tiếp ông Suh Kyung-bae, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Amorepacific hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trong đó có những nhãn mỹ phẩm rất nổi tiếng tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng tập đoàn giành được Giải thưởng Sáng tạo tại Hội chợ Điện tử tiêu dùng quốc tế 2021 trong hạng mục sức khỏe.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam là thị trường rất tiềm năng với quy mô dân số gần 100 triệu người, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng… Công nghệ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp của Hàn Quốc cũng rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Do đó, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh của tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở tập đoàn xem xét kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam, từ thị trường Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới đều rất thuận lợi.
Hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng thuận lợi, minh bạch và là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài kể cả trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua.
Chủ tịch Tập đoàn Amorepacific cho biết đang có dự định mở nhà máy tại khu vực Đông Nam Á, trong đó ưu tiên lựa chọn mở nhà máy tại Việt Nam hoặc có thể hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Dongwon, ông Park In-ku, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao hoạt động hiệu quả của tập đoàn tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp bao bì, đóng gói thực phẩm, qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Lãnh đạo Tập đoàn Dongwon cho biết Dongwon là công ty thủy sản lớn nhất Hàn Quốc. Tập đoàn đề xuất Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hỗ trợ việc 2 nước ký kết Hiệp định về sản xuất chế biến thủy hải sản.
Hiện tập đoàn đã phát triển và thành lập thêm các công ty con, mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống, logistics và tài chính.
Ngoài các lĩnh vực đã hoạt động tại Việt Nam, tập đoàn đang nghiên cứu mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác như logistics, vận tải, container, kho hàng lạnh, vật liệu đóng gói, thực phẩm, đồng thời đang xem xét các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực liên quan.
Hoan nghênh các kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam của Tập đoàn Dongwon, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), do đó nhu cầu về logistics, vận tải, kho lạnh,… chắc chắn sẽ tăng cao và cần có những đơn vị cung cấp chuyên nghiệp và chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc tập đoàn mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực này tại Việt Nam trong thời gian tới là phù hợp và đúng thời điểm.
Tập đoàn có thể mở rộng đầu tư, phát triển các sản phẩm mũi nhọn, tăng cường liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam nhất là trong những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng, sản xuất của tập đoàn./.
-
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo Công ty Dongwon System. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ý kiến ()