Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp toàn thể Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự hội nghị.
Ngày 16-8, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, diễn ra phiên họp toàn thể với chủ đề “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”. Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cùng dự có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; lãnh đạo các cơ quan của QH và các cơ quan T.Ư; chủ tịch các nhóm nghị sĩ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước; lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng hơn 300 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tổ chức phiên họp riêng để trao đổi về hoạt động đối ngoại QH, qua đó khẳng định vai trò của đối ngoại QH trong nền ngoại giao Việt Nam và những đóng góp tích cực, hiệu quả của đối ngoại QH trong sự nghiệp chung của đất nước. Chủ tịch QH cho biết, công tác đối ngoại QH vừa thực hiện mục tiêu tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa QH và nhân dân ta với QH và nhân dân các nước, với các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới, vừa thể hiện những quyền hạn và trách nhiệm của QH với nhiệm vụ là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Các hoạt động đối ngoại của QH không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác nghị viện mà còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học và công nghệ, văn hóa và giáo dục, giao lưu nhân dân… Đồng thời, đối ngoại QH còn đảm nhiệm vai trò tiên phong, mở đường để phát triển quan hệ cũng như tham gia xử lý các vấn đề còn vướng mắc. Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đối ngoại QH góp phần giúp nghị sĩ, nghị viện các nước hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, lập trường, quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. QH Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động tại các diễn đàn nghị viện đa phương trong khu vực và trên thế giới, thể hiện hình ảnh là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Về việc thực hiện vai trò lập pháp, QH đã xem xét thông qua, sửa đổi các đạo luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị công tác đối ngoại, bao gồm cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại QH, cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của đối ngoại QH trong tổng thể đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy lợi thế của ngoại giao nghị viện; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường tham mưu, giám sát và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong hội nhập quốc tế; tăng cường phối hợp giữa các kênh đối ngoại, nhất là giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại QH, đối ngoại nhân dân, hình thành thế hệ bạn bè mới, đối tác quan tâm và gắn kết với Việt Nam; nâng tầm đối ngoại đa phương…
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan của QH và Bộ Ngoại giao cần phối hợp tốt việc triển khai các hoạt động đối ngoại của QH, thúc đẩy và giám sát triển khai thực thi các thỏa thuận quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, mở rộng và nâng tầm hoạt động của các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, nâng cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại QH nói riêng.
Thay mặt toàn thể hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; cho biết, hội nghị đã nhận thức sâu sắc hơn về đối ngoại QH và mối quan hệ giữa đối ngoại QH với các kênh đối ngoại khác. Phó Thủ tướng nêu rõ, các cán bộ ngoại giao sẽ quán triệt những nhiệm vụ mà Chủ tịch QH đã nêu ra và cụ thể hóa trong Chương trình hành động của hội nghị. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ phận làm đối ngoại QH để phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, góp phần triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII.
* Ngày 16-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đã họp phiên toàn thể về đối ngoại đa phương với chủ đề “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng”. Phiên họp do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì, với sự tham dự của các lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng cán bộ chủ chốt từ các đơn vị của Bộ Ngoại giao.
Phiên họp đã quán triệt và thống nhất nhận thức về Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, đồng thời nhất trí về ý nghĩa quan trọng của việc ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW vào thời điểm này. Chỉ thị sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương trong hơn 10 năm tới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, môi trường, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa… Các đại biểu cho rằng đối ngoại đa phương Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, nâng tầm cả ở cấp khu vực, liên khu vực và quốc tế. Các đại biểu thống nhất cho rằng, để phát huy cao nhất lợi thế và tiềm năng của đất nước, cần sớm có chiến lược tổng thể và các kế hoạch hành động cụ thể, cũng như nguồn lực và đội ngũ cán bộ phù hợp để triển khai Chỉ thị, trong đó có một số nhiệm vụ ưu tiên thời gian tới như làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và tại các khuôn khổ hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương.
Ý kiến ()