Chủ tịch Quốc hội: Bình Phước cần khơi dậy khát vọng phát triển
Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tỉnh cần chuẩn bị thật tốt cả “hạ tầng cứng” và “hạ tầng mềm,” nhất là về công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Chiều 1/10, tại thành phố Đồng Xoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chính sách phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch COVID-19; triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành…
Bình Phước là tỉnh có diện tích lớn nhất ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí địa lý chiến lược là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và nước bạn Campuchia.
Trải qua chặng đường 25 năm từ ngày tái lập tỉnh, Bình Phước đã nỗ lực, vượt lên khó khăn, dần trở thành một tỉnh công nghiệp, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Nổi bật trong bức tranh tổng thể, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh có diện tích lớn với 5 loại cây công nghiệp lâu năm như: cây điều 141.595ha, cao su 246.659ha, hồ tiêu 15.720ha, cà phê 14.616ha, cây ăn quả 12.062ha.
Bình Phước đã rất nỗ lực và được xếp hạng khá cao về chuyển đổi số (đứng thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước). Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng năm 2022 đạt tới 9,01%; cao hơn bình quân chung cả nước, cao nhất vùng Đông Nam Bộ…
Tại cuộc làm việc, các đại biểu bày tỏ ấn tượng thu ngân sách của tỉnh đạt khá, xuất khẩu phục hồi tốt, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao gấp 2 lần số doanh nghiệp giải thể, góp phần giải quyết việc làm cho gần 37.000 lao động. Bình Phước cũng đã hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhắc tới Bình Phước là nhớ về hình ảnh “Miền Đông gian lao mà anh dũng,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã đạt được.
Đánh giá về nguyên nhân của những kết quả, thành tựu mà Bình Phước đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đó là nhờ tỉnh có cách làm rất bài bản, thể hiện rất rõ phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành tới 60 kết luận, nghị quyết, chỉ thị, đề án trên tất cả các lĩnh vực trọng điểm.
Cùng với đó, tỉnh rất chú trọng tới công tác lập quy hoạch, kế hoạch; bắt đầu chú ý đến hợp tác liên kết vùng; làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân lực…
Chuẩn bị tốt hạ tầng cho phát triển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Bình Phước không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn có vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là khu vực dự trữ phát triển lan tỏa của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương cả về đô thị và công nghiệp.
Nhấn mạnh rằng tình hình thực tiễn thay đổi rất nhanh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước rà soát các chương trình hành động để kịp thời cập nhật, bổ sung cho phù hợp.
Bình Phước cũng cần tích cực, chủ động chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới vào tỉnh trong thời gian không xa; chuẩn bị thật tốt cả “hạ tầng cứng” và “hạ tầng mềm,” nhất là về công nghệ thông tin, chuyển đổi số…; đồng thời nhất trí với công tác chuẩn bị nguồn nhân lực với việc đã làm việc với các trường đại học mở phân hiệu tại địa phương, tái cơ cấu và phát triển Trường Cao đẳng Bình Phước trở thành cơ sở dạy nghề có năng lực đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, dành một số khu đất để xây dựng nhà ở xã hội…
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng tỉnh đã đưa ra những trọng tâm, định hướng lớn cho phát triển; cho rằng đầu tư công vẫn chậm (mới hơn 44%, thấp hơn bình quân chung của cả nước), nên Bình Phước tránh đầu tư dàn trải, cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thì hiệu quả cao.
Trong phát triển hạ tầng giao thông (cao tốc), tỉnh cần tập trung đoạn kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và đoạn Chơn Thành-thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông); sau đó tập trung cao cho phát triển công nghiệp để giải quyết công ăn việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách nhà nước. Khi công nghiệp phát triển sẽ đi theo đô thị phát triển.
Tỉnh đồng thời có quỹ đất rộng lớn, màu mỡ, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với xu hướng đi lên rất rõ ràng. Cho rằng, con số 10 nghìn doanh nghiệp, trên 240 hợp tác xã trên địa bàn là ít ỏi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước cần chăm lo phát triển doanh nghiệp, tổ hợp tác, các loại hình kinh tế khác nhau bên cạnh nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, để giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Liên quan tới quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nói về tiềm năng, lợi thế là phải có sự so sánh rất cụ thể. Bình Phước cần đặt trong bối cảnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020… Tỉnh cũng cần soát xét lại các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên tinh thần rất tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng hoang phí đất đai.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa; là tỉnh đi sau, khi phát triển các khu công nghiệp, Bình Phước phải chú ý gắn liền với phát triển các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục…
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tỉnh tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời, tiếp tục đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quan tâm đến những chương trình hoạt động của Quốc hội,
Với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đang từng ngày đổi mới. Chủ tịch Quốc hội chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo cùng với thời cơ và vận hội mới, sẽ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025.
“Bình Phước cần khơi dậy khát vọng phát triển. Có tầm nhìn xa, khát vọng lớn ắt sẽ có thành công hơn,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói./.
https://www.vietnamplus.vn/chu-tich-quoc-hoi-binh-phuoc-can-khoi-day-khat-vong-phat-trien/821417.vnp
Ý kiến ()