Chủ tịch Quốc hội: '1 đồng mà không cần thiết thì cũng không chi'
Nêu rõ tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng “một tỷ đồng mà thực sự cần thiết thì chi ngay, nhưng 1 đồng mà không cần thiết thì cũng không chi.”
Sáng 23/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Tài chính.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày, từ năm 2016-2021, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã tiết kiệm được 6.087,9 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả còn thấp; tinh giản được 1.166 biên chế, đạt 105% kế hoạch; giảm từ 36 xuống còn 26 đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong lĩnh vực quản lý, từ năm 2016-2021, Bộ Tài chính đã tính giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 22.300 tỷ đồng (ngân sách Trung ương giảm khoảng 12.800 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm khoảng 9.500 tỷ đồng).
Năm 2021, Bộ tiếp tục giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 3.260 tỷ đồng gắn với thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy, trong đó chi ngân sách Trung ương giảm 875 tỷ đồng; ngân sách địa phương giảm khoảng 2.385 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên và 70% công tác phí, hội nghị phí năm 2020-2021. Kết quả, 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương cắt giảm 70% công tác phí là 1.046 tỷ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên là 6.441 tỷ đồng.
Năm 2021, Bộ cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước là 896,6 tỷ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên là 5.046 tỷ đồng.
Trên phạm vi cả nước, giai đoạn 2016-2021, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước là 350 nghìn tỷ đồng; giảm giá trị đề nghị quyết toàn 27,7 nghìn tỷ đồng qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước; giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 546 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 12,35% số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Từ năm 2015 đến năm 2020, đã tinh giản được 74.443 biên chế.
Qua thanh tra, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 181.000 tỷ đồng, thu hồi 7.675ha đất…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra 3 gợi ý để hoàn thiện báo cáo kiến nghị của Đoàn giám sát.
Cụ thể, Đoàn giám sát nên chăng nghiên cứu kiến nghị Chính phủ cải tiến, đổi mới việc ban hành chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm theo hướng vừa bảo đảm tính toàn diện nhưng đồng thời tập trung vào nội dung, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đặt mục tiêu tạo ra chuyển biến rõ ràng trong từng lĩnh vực.
Cùng với đó, Đoàn giám sát nên đề xuất tổ chức một cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cả trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, cả trong khu vực công và khu vực tư, với cả nhân lực, vật lực và tài lực.
Góp ý với Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Bộ Tài chính thay mặt Nhà nước thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không đơn thuần như cái kéo cắt xén chi tiêu một cách cơ học đơn thuần.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải theo đúng tinh thần của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: thực hiện cùng một công việc được giao với chi phí ít hơn; cùng một nguồn lực như nhau nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
“Một tỷ đồng mà thực sự cần thiết thì chi ngay, nhưng 1 đồng mà không cần thiết thì cũng không chi,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tinh thần của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Khía cạnh khác của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là phải tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, phải có đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ ách tắc cả về nhân lực, vật lực, tài lực.
Bộ Tài chính cần rà soát lại văn bản đang gây ách tắc trên 3 lĩnh vực quan trọng là dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích; chi thường xuyên, định mức chi thường xuyên, tài sản công, xe công; nguồn cải cách tiền lương; việc phát hành trái phiếu; lộ trình cải cách về thuế, chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI.
Bộ Tài chính cũng nên tham mưu Chính phủ xử lý tồn đọng trong các dự án BP, PPP, vì ách tắc trong các dự án này cũng là một kiểu lãng phí; việc tuân thủ pháp luật trong quản lý nợ công…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để hoàn thiện báo cáo giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tài chính gửi bổ sung thêm số liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát; phân tích tách rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó tập trung chủ yếu vào nguyên nhân chủ quan cả ở những việc làm tốt và chưa tốt trong thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo bổ sung những địa chỉ làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nhân rộng; đề xuất cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề đã rõ, thuộc thẩm quyền để tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát…/.
Ý kiến ()