Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt đại biểu QH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Chiều 16-11, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự cuộc gặp mặt đại biểu Quốc hội (QH) là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2020). Cuộc gặp mặt do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH tổ chức.
Dự cuộc gặp có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu QH thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Vũ Ðức Ðam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo; Huỳnh Thành Ðạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH; Nguyễn Khắc Ðịnh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa… cùng các đại biểu QH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Truyền thống “tôn sư – trọng đạo” đã được các thế hệ người dân Việt Nam gìn giữ như một ngọn lửa thiêng liêng, một đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Trong không khí cả nước hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đồng chí trân trọng chúc mừng và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói chung, các đại biểu QH đang công tác trong ngành giáo dục nói riêng; chúc ngành giáo dục đạt nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp “trồng người” cao quý. Nhấn mạnh đất nước ta chưa bao giờ phải liên tiếp đối diện với dịch bệnh, thiên tai, bão lụt như năm nay, Chủ tịch QH cho rằng, trong dịch bệnh, thiên tai, chúng ta lại thể hiện bản lĩnh kiên cường, sáng tạo và đổi mới. Ðến nay, ngành giáo dục đã thực hiện đúng chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, tổ chức thay đổi các phương thức dạy và học, thi cử trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch QH bày tỏ xúc động vì sau đợt thiên tai vừa qua, rất nhiều học sinh không còn sách vở, không còn trường lớp để học. Ðảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực và chỉ đạo sớm khôi phục trường lớp, cơ sở thiết bị dạy học, tạo điều kiện để các cháu được trở lại trường trong thời gian sớm nhất. Chủ tịch QH cũng nêu rõ, đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển có bước ngoặt, phải vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình, phấn đấu trở thành một nước phát triển. Do vậy, vai trò, sứ mệnh của ngành giáo dục ngày càng có ý nghĩa và quan trọng hơn. Cùng với những cơ hội và thách thức của thời đại khoa học – công nghệ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, đất nước trong tiến trình hội nhập sâu rộng, trách nhiệm rất nặng nề của ngành giáo dục là phải làm sao để công tác giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam có văn hóa, có tri thức, có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc tốt, sống nhân văn, yêu quê hương, yêu đất nước. Nhấn mạnh, dù ở đâu và vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý nhất, người thầy luôn giữ vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo, sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch QH bày tỏ tin tưởng, với sự quyết tâm, phấn đấu; ngành giáo dục nói chung, các thầy, cô giáo nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và phẩm chất cao quý của mình, tích cực chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi chủ trương đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cơ hội mới song hành với khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa.
Tại cuộc gặp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, lãnh đạo QH luôn tin tưởng, tạo mọi điều kiện để ngành giáo dục phát triển và sự tham gia đóng góp hết sức tích cực của các đại biểu QH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đối với sự nghiệp “trồng người”. Ðồng chí cho biết, năm 2020 là năm ngành giáo dục triển khai nhiều nhiệm vụ hướng đến tương lai, trong đó triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã có những kết quả bước đầu. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, QH đã xem xét, thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, tạo cơ sở, nền móng cho sự phát triển của giáo dục từ bậc học phổ thông cho đến đại học.
Ý kiến ()