Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc tại Cục Cứu hộ-Cứu nạn
Sáng 10-6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh đã tới thăm và làm việc tại Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Dự buổi làm việc có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam…
Cán bộ, chiến sĩ Cục Cứu hộ-Cứu nạn đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm, làm việc tại đơn vị. Ảnh: PHÚ SƠN |
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm, làm việc tại Cục Cứu hộ-Cứu nạn. Ảnh: PHÚ SƠN |
Cùng dự buổi làm việc có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Luôn là lực lượng nòng cốt trong cứu hộ-cứu nạn
Báo cáo với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ, Trung tướng Doãn Thái Đức, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn khẳng định: Trong những năm qua, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch liên quan đến công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tham mưu với các cấp chỉ đạo kiện toàn hệ thống tổ chức, mua sắm trang thiết bị, phương tiện.
Thường xuyên duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, chỉ huy điều hành các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc; tích cực, chủ động tổ chức tập huấn công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đơn vị Quân đội cũng như các bộ, ngành Trung ương và địa phương; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia hiệu quả các cuộc diễn tập về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, trong những năm qua, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã đề xuất với Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, hơn 63.500 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động gần 4,2 triệu lượt người và gần 165.000 lượt phương tiện, cứu được gần 74.000 người và hơn 6.300 phương tiện, trong đó Quân đội tham gia 3,5 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ (chiếm 83%), đã cứu được gần 57.000 người (chiếm 77%).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Đại tướng Phan Văn Giang, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại buổi làm việc. Ảnh: PHÚ SƠN |
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: PHÚ SƠN |
Qua báo cáo của chỉ huy Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Chủ tịch nước rất ấn tượng với sự chủ động, kịp thời của Cục Cứu hộ-Cứu nạn trong chỉ đạo các lực lượng khẩn trương cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Theo đó, đêm qua (9-6), sau khi nhận được thông tin tàu cá BTh 98539 TS/5LĐ (cách Đông Nam đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khoảng 74 hải lý), bị phá nước gây chìm tàu, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã đề nghị các lực lượng thông báo huy động các tàu cá, các phương tiện hoạt động gần khu vực tăng cường quan sát hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Lúc 2 giờ 15 phút ngày 10-6, 5 ngư dân được các ngư dân đã được tàu nước ngoài cứu vớt. Sau đó vài tiếng, tàu Cảnh sát biển CSB 6001 đang làm nhiệm vụ ở khu vực đảo Phú Quý tiếp cận tàu nước ngoài đón 5 ngư dân lên tàu, tình trạng sức khỏe các ngư dân ổn định.
Qua hệ thống truyền hình trực tuyến VSAT tại Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ân cần hỏi thăm sức khỏe của các ngư dân trên tàu Cảnh sát biển CSB 6001. Cùng với động viên, chia sẻ những khó khăn, vất vả, Chủ tịch nước tin tưởng rằng các lực lượng đang làm nhiệm vụ sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn trên biển luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Không ngừng nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục với các sự cố
Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Sự cố, thiên tai, thảm họa luôn là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam. Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã luôn xác định phòng, chống sự cố, thiên tai là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ người dân, bảo vệ đất nước. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ luôn quan tâm đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh.
Hiện nay, ngoài chức năng là cơ quan tham mưu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam về ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai trong toàn quân, Cục Cứu hộ-Cứu nạn còn thực hiện nhiệm vụ giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai thảm họa. Khối lượng công việc rất lớn với 37 nhiệm vụ (trong đó có 17 nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao; 20 nhiệm vụ của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn), nhưng cán bộ, chiến sĩ của Cục không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh, lập được nhiều thành tích trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của các sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trung tướng Doãn Thái Đức báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ với Chủ tịch nước. Ảnh: PHÚ SƠN |
Sau khi nhận định, đánh giá tình hình năm 2023 và những năm tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu Đảng ủy, chỉ huy Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của trên về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tham mưu với các cấp kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự các cấp; xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời tham mưu, hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong phòng thủ dân sự.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu chụp ảnh với chỉ huy Cục Cứu hộ-Cứu nạn. Ảnh: PHÚ SƠN |
Cùng với đó, tích cực tham mưu đổi mới nội dung, hình thức, thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ động, tích cực hợp tác với các nước chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, phòng, chống biến đổi khí hậu, kinh nghiệm tìm kiếm, cứu nạn. Đầu tư nguồn lực con người, trang thiết bị cho thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng rằng, với truyền thống QĐND Việt Nam anh hùng, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ Cục Cứu hộ-Cứu nạn sẽ mang hết tinh thần trách nhiệm, tạo tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm hành động, để công tác phòng thủ dân sự, công tác phòng, chống ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ; năng lực của cả hệ thống tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự được nâng cao, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()