Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. ( Ảnh: THANH VŨ (TTXVN) ) - Chiều 28-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1 và cử tri Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc.Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 1 bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao kỳ họp thứ hai đã thể hiện nhiều đổi mới trong cách làm việc và thảo luận, đặc biệt trong chất vấn và trả lời chất vấn, với không khí dân chủ, trách nhiệm, sâu sắc và nghiêm túc; giải đáp thỏa đáng nhiều tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhất là các giải đáp về nợ công, giá xăng, dầu, lĩnh vực giao thông và vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia được nhân dân cả nước rất đồng tình, cho thấy hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã được nâng lên. Nhiều cử tri vui mừng vì Quốc hội đã quyết nghị đưa...
|
– Chiều 28-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1 và cử tri Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 1 bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao kỳ họp thứ hai đã thể hiện nhiều đổi mới trong cách làm việc và thảo luận, đặc biệt trong chất vấn và trả lời chất vấn, với không khí dân chủ, trách nhiệm, sâu sắc và nghiêm túc; giải đáp thỏa đáng nhiều tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhất là các giải đáp về nợ công, giá xăng, dầu, lĩnh vực giao thông và vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia được nhân dân cả nước rất đồng tình, cho thấy hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã được nâng lên. Nhiều cử tri vui mừng vì Quốc hội đã quyết nghị đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật của khóa này, đã thể hiện sự sáng suốt và hợp lòng dân.
Trao đổi ý kiến với các đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của Quốc hội, cũng như trong điều hành, quản lý của Nhà nước, như công tác làm luật chưa đạt hiệu quả, nhiều công trình giao thông trọng điểm như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương bị hư hỏng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, tai nạn giao thông còn quá nhiều, cải cách hành chính còn chậm, chưa xử lý triệt để tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp… Nhiều cử tri cũng kiến nghị Quốc hội cần xem xét, cân nhắc mặt lợi hại của dự án nhà máy điện hạt nhân, đồng thời thẩm tra toàn diện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp và kiến nghị của cử tri quận 1, hứa sẽ làm hết trách nhiệm của mình để chuyển tải các kiến nghị của cử tri tới các cơ quan chức năng. Các đại biểu Quốc hội đã làm việc với thành phố, quận, phường cũng như với các cơ quan chức năng để giải quyết các kiến nghị của cử tri, tuy nhiên nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, Chủ tịch nước mong bà con cử tri cùng chia sẻ với các cơ quan chức năng, với Nhà nước.
Đồng tình với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng chất lượng làm luật hiện còn chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng luật ban hành nhiều nhưng thiếu nghị định hướng dẫn thi hành khiến luật chậm được thực thi. Chia sẻ với cử tri về vấn đề nhà máy điện hạt nhân, Chủ tịch nước khẳng định, Quốc hội sẽ cân nhắc sao cho bảo đảm cả về hai mặt, vừa là nhu cầu năng lượng quốc gia vừa là sự an toàn khi thực hiện dự án, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Về dự án Luật Biểu tình, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hiến pháp quy định rõ quyền biểu tình, vì vậy cần có luật để cụ thể hóa quyền cơ bản của công dân, tuy nhiên thể chế hóa vấn đề này thành một đạo luật cần thời gian xem xét và lấy ý kiến rộng rãi hơn.
H Các cử tri là cán bộ, giảng viên, công nhân viên, sinh viên Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư và hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt là cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy cho trường – một trong hai trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo luật. Cử tri của trường cũng chia sẻ thực trạng ngày càng nhiều sinh viên không lựa chọn vào công tác ở các cơ quan tư pháp khi ra trường, trong khi số chọn vào các công ty, văn phòng luật tư nhân tăng đáng kể; do vậy Nhà nước cần có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để giữ được nhân lực cho các cơ quan tư pháp. Nhiều cử tri của Trường đại học Luật cũng mong được đóng góp từ góc độ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu luật cho vấn đề sửa đổi Hiến pháp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ những khó khăn mà Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh đang gặp phải, cho biết tới đây sẽ lắng nghe thêm các ý kiến từ Trường đại học Luật Hà Nội và các bộ, ngành liên quan, cố gắng giải quyết sớm về cơ sở vật chất cho nhà trường, để trong giai đoạn phát triển mới của đất nước cần có những trường đại học xứng tầm. Chủ tịch nước cũng đề nghị với vai trò, chức năng, vị trí là trường đại học trọng điểm quốc gia, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cần mạnh dạn tháo bỏ những rào cản, vướng mắc trong lĩnh vực đào tạo của nhà trường. Chủ tịch nước mong Đại học Luật TP Hồ Chí Minh sẽ đóng góp xứng đáng vào công cuộc sửa đổi Hiến pháp 1992, một việc làm hết sức cần thiết và hệ trọng của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()