Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Cao Bằng
Tiếp tục chương trình công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 21/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác Trung ương đã thăm và kiểm tra kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trong thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác cải cách tư pháp tại tỉnh Cao Bằng.
Tiếp tục chương trình công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 21/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác Trung ương đã thăm và kiểm tra kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trong thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác cải cách tư pháp tại tỉnh Cao Bằng.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên |
Là quê hương cách mạng, Cao Bằng có nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng gắn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cao Bằng chỉ có 9% đất nông nghiệp, 75% diện tích đất có độ dốc lớn. Tại Cao Bằng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, tỷ lệ người nghèo chiếm 28,22%, toàn tỉnh có 5 huyện nghèo trong số 62 huyện nghèo của cả nước, GDP/người đạt 15,2 triệu đồng tương đương 50% GDP trung bình của cả nước. Với những yếu tố đặc thù về địa hình, khí hậu, đất đai, cư dân sinh sống, Cao Bằng gặp không ít khó khăn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, giao thương, đảm bảo tăng trưởng kinh tế xã hội.
Những trở ngại cố hữu và giải pháp khắc phục đã được Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Hà Ngọc Chiến nêu ra trong cuộc làm việc của Chủ tịch nước với lãnh đạo chủ chốt tỉnh. Theo đó, để khắc phục hạn chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Cao Bằng đã xác định chương trình “ba cây”: mía đường, trúc sào, thuốc lá và “1 con”: bò, là mũi nhọn ưu tiên trong phát triển nông lâm nghiệp. Cùng với ban hành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2011- 2015, tỉnh đã quan tâm bố trí, sắp xếp các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nâng hiệu quả chế biến sâu, từng bước phát huy thế mạnh của địa phương giàu tiềm năng khoáng sản.
Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân hơn 9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, trong đó nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 24,4%, công nghiệp – xây dựng chiếm 20,4%, dịch vụ chiếm 55,2%; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội được chú trọng. Toàn tỉnh có 196/199 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi và 199/199 xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học. Công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năm 2012, thu ngân sách của Cao Bằng đạt 915 tỷ, tăng 30% so với năm 2011. Năm 2013, tỉnh phấn đấu thu ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng, hiện đã thu được 482 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch.
Tại buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ quan tâm đến tiến độ và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giải pháp xóa nghèo bền vững; công tác nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại Cao Bằng. Chia sẻ khó khăn với địa phương, các thành viên trong đoàn công tác đề nghị lãnh đạo tỉnh Cao Bằng xem xét lại vấn đề phát triển rừng, nghề rừng, tìm giải pháp thu ngân sách, thực hiện kế hoạch và chiến lược phát triển ngành du lịch, bảo vệ môi trường rừng đầu nguồn, tính toán thêm việc lựa chọn các loại cây trồng và vật nuôi mũi nhọn, các vấn đề về nguồn lực xây dựng nông thôn mới…Về những nội dung được đề cập, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh đã thẳng thắn tiếp thu những ý kiến đóng góp, đồng thời giải trình khó khăn và biện pháp Cao Bằng đã thực hiện trong thời gian qua.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, Chủ tịch nước còn băn khoăn, 5 năm vừa qua, Cao Bằng đạt mức tăng trưởng khoảng 10%, sẽ khó có đột biến trong những năm còn lại của nhiệm kỳ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 13,5%.
Trước những tồn tại cần khắc phục như sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, một bộ phận nông dân còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thu hút đầu tư còn kém, cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo ở vùng nông thôn, vùng xa còn thấp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Cao Bằng vẫn còn nhiều lợi thế để đưa mức tăng trưởng đạt hơn 13%.
Chủ tịch nước đề nghị trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh cần tập trung vào thế mạnh là nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến; chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa, qua đó góp phần giải quyết bài toán kinh tế và an sinh xã hội. Chủ tịch nước yên tâm khi Cao Bằng đã tự túc được lương thực tại chỗ, như vậy chỉ còn tập trung vào việc xóa nghèo, để tăng thu nhập cho bà con. Chủ tịch nước cũng chỉ đạo tỉnh rà soát lại các dự án, đánh giá các tiềm năng như công nghiệp khai khoáng, du lịch dịch vụ, thương mại; chú trọng khai thác kinh tế cửa khẩu để có giải pháp thu hút các nhà đầu tư. Trước mắt, tỉnh Cao Bằng phải quyết liệt trong chỉ đạo điều hành sớm hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm đến Cao Bằng và ra cửa khẩu Tà Lùng để thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại. Cùng với khai thác thế mạnh du lịch của tỉnh như thác Bản Giốc, di tích lịch sử đặc biệt quan trọng Pác Bó, Cao Bằng cần thúc đẩy tăng nhanh lượng hàng hóa xuất khẩu.
Chủ tịch nước đã đến thăm Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, tìm hiểu đời sống của nông dân trồng mía tại Bản Chu, xã Đại Sơn (huyện Phục Hòa) và làm việc với lãnh đạo huyện Phục Hòa.
Chủ tịch nước hoan nghênh những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Phục Hòa trong phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quốc phòng, nhất là đã tìm được hướng đi trong việc xóa đói giảm nghèo bằng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch vùng nguyên liệu mía với hơn 2.000 ha cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng; nhiều hộ đã có thu nhập từ 100-150 triệu/ha/vụ, góp phần nâng cao đời sống. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Phục Hòa có vị trí địa lý thuận lợi, có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế địa phương. Huyện cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu hợp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương.
Chủ tịch nước đã đến thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng, đơn vị quản lý 22km đường biên và 4 xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Nói chuyện thân mật với cán bộ chiến sĩ, Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của cán bộ chiến sĩ trong việc giữ vững chủ quyền, đồng thời giúp đỡ đồng bào vùng biên giới xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế. Chủ tịch nước lưu ý, là đơn vị đóng ở vị trí chiến lược, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tà Lùng nói riêng và lực lượng biên phòng nói chung cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, gắn kết mật thiết với bà con để giữ vững an ninh vùng biên, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()