Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, làm việc tại Ninh Bình và Hà Nam
Ngày 14-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, làm việc tại tỉnh Ninh Bình và Hà Nam. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Xây dựng; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Tại Ninh Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác T.Ư đã đến dâng hương tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Vua Lê Đại Hành; khảo sát sáu dự án đang triển khai nhằm bảo tồn, tôn tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu di tích lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư. Đây là khu di tích được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2012. Tháng 6-2014, UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Trong đó, Cố đô Hoa Lư thuộc vùng bảo vệ đặc biệt. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các đồng chí Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà sử học báo cáo tình hình và kết quả triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của khu di tích lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư; những phương hướng nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỉnh Ninh Bình vẫn còn gặp một số khó khăn trong công tác khảo cổ; quản lý di tích; việc tu bổ, tôn tạo, trùng tu các di tích triển khai còn chậm; một số di tích đã xuống cấp nhưng chưa được tôn tạo kịp thời do ngân sách hạn hẹp.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, biểu dương tỉnh Ninh Bình đã thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển, đặc biệt là các dự án tạo điểm đến hấp dẫn về du lịch. Chủ tịch nước nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần nhận thức đầy đủ tầm vóc, giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa của khu di tích Cố đô Hoa Lưu, đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền trung ương ở Việt Nam, mở đầu thời kỳ thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ nền độc lập quốc gia, phát triển kinh tế, với công lao to lớn của đức Vua Đinh Tiên Hoàng. Trong lịch sử dân tộc, Cố đô Hoa Lư là nơi khởi nghiệp của ba triều đại là Đinh, Lê, Lý. Vì vậy, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của Cố đô Hoa Lư là bày tỏ sự tri ân với công đức của tổ tiên; phải tôn tạo, phục dựng, trùng tu các di tích trở thành trường học giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử của dân tộc. Làm tốt công tác này còn tạo nên diện mạo mới, điểm đến hấp dẫn cho phát triển ngành du lịch. Vì vậy, tỉnh Ninh Bình cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành T.Ư, nhất là các Bộ: Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch để rà soát lại quy hoạch tổng thể, nhằm tôn tạo, trùng tu khu di tích xứng đáng với tầm vóc lịch sử; công tác trùng tu, tôn tạo, khảo cổ phải tuân thủ Luật Di sản cũng như những khuyến cáo của UNESCO. Đó là công tác cần thực hiện một cách khoa học; quản lý bảo tồn phải tiến hành bài bản. Việc triển khai các dự án phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công trình. Ninh Bình cần có hệ thống chính sách hấp dẫn hơn để thu hút các nguồn lực đầu tư, nhằm tạo diện mạo mới cho tất cả các danh thắng của tỉnh, tạo nên điểm tựa để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Vui mừng trước những chuyển biến, tiến bộ của tỉnh Ninh Bình trong những năm gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, tỉnh cần tập trung rà soát những tiềm năng, thế mạnh, nhất là về du lịch, để dồn sức thực hiện theo tinh thần bài phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 10 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, động viên tập thể những cán bộ, người lao động của Công ty cổ phần ô-tô Thành Công Ninh Bình.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước đến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Nam. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã báo cáo Chủ tịch nước và Đoàn công tác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong năm qua, phương hướng, giải pháp thực hiện trong năm nay, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. Hà Nam là địa phương xây dựng và hoàn thiện tốt đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch nước đã thăm các mô hình sản xuất rau quả an toàn để xuất khẩu theo công nghệ của Nhật Bản tại xã Phù Vân, TP Phủ Lý, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất cây hàng hóa chất lượng cao với quy mô 100 ha tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân do Công ty cổ phần An Phú Hưng và Công ty cổ phần HBC International (Nhật Bản) phối hợp thực hiện. Thời gian qua, thực hiện chủ trương liên kết liên doanh trong phát triển trồng trọt và chăn nuôi, cùng với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, tỉnh Hà Nam đã xây dựng các mô hình trồng cây đậu, bắp, rau màu an toàn theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Chủ tịch nước đã thăm mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học của gia đình các ông Trần Văn Hiền, Trần Văn Đông ở thôn Hạ Vĩ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân.
Phát biểu ý kiến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cả về quy mô và chất lượng. Với đặc điểm chung của các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng là đất chật người đông, Hà Nam chỉ có thể phát triển kinh tế nông nghiệp một cách mạnh mẽ bằng việc đẩy nhanh hơn nữa công tác tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ tạo nên giá trị gia tăng ngày càng cao trên một đơn vị diện tích canh tác. Bước đi, cách làm của Hà Nam mở ra triển vọng phát triển của các tỉnh trong khu vực này. Vì vậy, Hà Nam cần tiếp tục tìm tòi cách làm sáng tạo, tiếp thu kinh nghiệm của trong nước và nước ngoài để tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()