Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội và tiếp đoàn đại biểu dũng sĩ diệt Mỹ
Sáng 25-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Tham dự buổi làm việc, có các đồng chí: Nguyễn Quân, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc ĐHQGHN và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình hoạt động của đơn vị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết: ĐHQGHN hiện có bảy trường ĐH thành viên và một số khoa, đơn vị trực thuộc. Với vai trò là cơ sở giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao… trường đã xây dựng được đội ngũ giảng viên gồm 1.887 nhà giáo; trong đó có 405 GS, PGS, 1.041 TS và TSKH. Ngoài ra, hằng năm có hơn 500 lượt cán bộ, giảng viên nước ngoài đến nghiên cứu, giảng dạy tại ĐHQGHN. Tổng quy mô đào tạo của trường là 36.600 người học; trong đó tỷ lệ đào tạo sau ĐH chiếm 28% quy mô đào tạo chính quy (xấp xỉ tỷ lệ của các trường ĐH nghiên cứu tiên tiến trên thế giới). Đáng chú ý, có hơn 1.200 sinh viên là người nước ngoài đến ĐHQGHN học tập hằng năm.
Riêng đối với dự án Trường ĐH Việt Nhật (thuộc ĐHQGHN), các chuyên gia ĐHQGHN cùng các chuyên gia Nhật Bản đã hoàn thành xây dựng sáu chương trình đào tạo thạc sĩ, đang tuyển sinh và dự kiến khai giảng tháng chín tới; triển khai đầu tư ba phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế. ĐHQGHN phối hợp tổ chức JICA nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) và tích cực làm việc, đề nghị phía Nhật Bản sớm phê duyệt vốn vay ODA trong triển khai dự án. Việc đào tạo của Trường ĐH Việt Nhật sẽ do giảng viên của ĐHQGHN đảm nhiệm 50% và các GS Nhật Bản, giảng viên uy tín nước ngoài đảm nhiệm 50%.
Sau khi nghe những kiến nghị đề xuất của ĐHQGHN và ý kiến của đại diện lãnh đạo các bộ liên quan, phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, những nỗ lực của đội ngũ các giảng viên, nhà khoa học của ĐHQGHN là rất đáng trân trọng. Để hoạt động hiệu quả, ĐHQGHN cần triển khai nhanh dự án xây dựng tại Hòa Lạc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phải tu bổ, sử dụng hệ thống cơ sở vật chất hiện có một cách hiệu quả. Trong đầu tư xây dựng mới cần tập trung thực hiện hoàn chỉnh, đồng bộ, dứt điểm cho từng trường, đơn vị thành viên. Cần đầu tư vào những hạng mục thiết yếu, quan trọng và dứt khoát cắt những đầu tư không cần thiết. Trong xây dựng không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước mà cần có sự huy động từ nhiều nguồn lực. ĐHQGHN có những bước tiến bộ đáng kể khi nằm trong tốp từ 190 đến 200 trường ĐH hàng đầu châu Á nhưng đó mới là điểm khởi đầu. Hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, các trường ĐH trọng điểm, xuất sắc nói riêng phải có quyết tâm lớn, không chỉ dừng lại ở kết quả, thứ hạng đã đạt được. Bởi như vậy sẽ chưa thể đạt được việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện CNH, HĐH thành công. Lấy dẫn chứng việc các nước phát triển trên thế giới cũng xuất phát từ nền giáo dục hiệu quả, Chủ tịch nước cho rằng, việc đầu tư nâng cao chất lượng để các trường ĐH trọng điểm, xuất sắc có vị trí, vai trò cao hơn trong khu vực và thế giới không đơn thuần để so sánh, mà quan trọng là đáp ứng yêu cầu của quá trình CNH, HĐH phát triển đất nước.
Riêng đối với dự án Trường ĐH Việt Nhật, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là mô hình biểu tượng mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành quan tâm. Giai đoạn vừa qua, Chính phủ Nhật Bản rất quyết tâm trong việc triển khai; Chính phủ Việt Nam cũng nhanh chóng có quyết định thành lập trường và triển khai các vấn đề liên quan. Vì vậy, cần tiếp tục triển khai đồng bộ vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa mở các khoa, ngành đào tạo. Đáng chú ý, trước mắt cần đầu tư triển khai nhanh chóng hoàn thành đề án khả thi để tranh thủ sự ủng hộ của chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản. Mục tiêu là Trường ĐH Việt Nhật đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ra trường trình độ không kém so với các trường ĐH nổi tiếng của Nhật Bản. Qua đó sẽ tiếp thu được công nghệ quản lý giáo dục, quản trị ĐH… tiên tiến, hiện đại để lan tỏa ra các trường ĐH khác trên cả nước, phù hợp mục tiêu CNH, HĐH đất nước.
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan phòng truyền thống, ghi sổ vàng lưu niệm, thăm Ban quản lý Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN.
* Ngày 25-2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp thân mật đoàn đại biểu thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ miền nam từng được Bác Hồ gặp mặt giai đoạn 1967 – 1969.
Xúc động tưởng nhớ những kỷ niệm không quên khi được gặp vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cũng chính tại khuôn viên của Phủ Chủ tịch, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Trưởng ban liên lạc, nguyên là đại biểu thiếu niên tiêu biểu từng được gặp Bác Hồ giai đoạn 1967 – 1969 cùng 13 đại biểu có mặt trong buổi tiếp đã ôn lại những kỷ niệm thời niên thiếu.
Vui mừng được gặp những đại biểu tiêu biểu của một giai đoạn lịch sử từng được Bác Hồ gặp mặt và biểu dương, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ những chiến công của các đồng chí và những người có công với nước.
Chủ tịch nước cho rằng, sau 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn. Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua có sự đóng góp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó mỗi cá nhân đại biểu tại buổi gặp mặt này đều có phần cống hiến không nhỏ. Chủ tịch nước đề nghị, các đại biểu bằng những việc làm cụ thể, tùy theo sức của mình, tiếp tục đóng góp cho công cuộc dựng xây đất nước. Chủ tịch nước mong rằng, các đại biểu luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()