Trong ngày làm việc thứ hai, 11-11, tại TP Hô-nô-lu-lu, bang Ha-oai (Mỹ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC - 2011. Đây là sự kiện đầu tiên có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC và là hội nghị quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức hằng năm trong Tuần cấp cao APEC. Hội nghị năm nay diễn ra trong ba ngày, từ ngày 10 đến 12-11, với sự tham dự của khoảng 1.500 lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực.Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Trung tâm Đông - Tây. Với chủ đề "Xác định lại tương lai", các nhà lãnh đạo sẽ cùng các tập đoàn tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững thông qua đổi mới giáo dục, đầu tư dài hạn, phát triển đô thị, công nghệ, chuỗi cung ứng, đồng thời ứng phó các thách thức về nhu cầu nguồn lực ngày càng tăng, thay đổi về nhân khẩu học...
Trong ngày làm việc thứ hai, 11-11, tại TP Hô-nô-lu-lu, bang Ha-oai (Mỹ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC – 2011. Đây là sự kiện đầu tiên có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC và là hội nghị quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức hằng năm trong Tuần cấp cao APEC. Hội nghị năm nay diễn ra trong ba ngày, từ ngày 10 đến 12-11, với sự tham dự của khoảng 1.500 lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Trung tâm Đông – Tây.
Với chủ đề “Xác định lại tương lai”, các nhà lãnh đạo sẽ cùng các tập đoàn tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững thông qua đổi mới giáo dục, đầu tư dài hạn, phát triển đô thị, công nghệ, chuỗi cung ứng, đồng thời ứng phó các thách thức về nhu cầu nguồn lực ngày càng tăng, thay đổi về nhân khẩu học và biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Pê-ru Ô.U-ma-la là khách mời danh dự của Ban Tổ chức tại Tiệc trưa chào mừng các nhà lãnh đạo mới của APEC. Trong bài phát biểu chính tại Tiệc trưa, Chủ tịch nước nhấn mạnh, APEC đang nỗ lực tăng cường hợp tác, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Đối với nhiều nước đang hội nhập sâu rộng vào quốc tế và khu vực, trong đó có Việt Nam, nhu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế càng trở nên cần thiết và quan trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề cao vai trò của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và APEC đối với quá trình phát triển của Việt Nam. APEC hiện là khu vực cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất, chiếm 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu, và 75% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho tiến trình gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của kinh tế Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai.
Các doanh nghiệp APEC đánh giá cao những thành tựu có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam trong quá trình đổi mới và nỗ lực hội nhập quốc tế sâu và toàn diện; khẳng định ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới; sẽ tích cực mở rộng và triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Mỹ, tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ và gặp gỡ lãnh đạo của một số tập đoàn lớn thuộc các nền kinh tế APEC. Tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch nước đã trao đổi và giải đáp nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Mỹ về các chính sách thương mại, đầu tư, thuế, sở hữu trí tuệ, truyền thông…; đề nghị các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài như công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng… Qua trao đổi, các doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về những nỗ lực của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bày tỏ tin tưởng các biện pháp kinh tế của Chính phủ Việt Nam; chia sẻ các kế hoạch sắp tới của mình tại Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ để hiện thực hóa các kế hoạch này. Các doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm và có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Mỹ tại Trung tâm Đông – Tây, là một trong những trung tâm nghiên cứu chính sách lớn của Mỹ. Đây là ý kiến phát biểu đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại cơ quan nghiên cứu có uy tín hàng đầu này, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo 11 quốc đảo ở Thái Bình Dương, đại diện nghị sĩ liên bang, lãnh đạo bang Ha-oai và TP Hô-nô-lu-lu, cùng các nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên Trường đại học Tổng hợp Ha-oai. Sau bài phát biểu, Chủ tịch nước đã trao đổi về các vấn đề kinh tế, chính trị của Việt Nam, quan hệ Việt Nam – Mỹ và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp Tổng thống Chi-lê X.Pi-nê-ra, Tổng thống Pê-ru Ô.U-ma-la và lãnh đạo 11 quốc đảo Thái Bình Dương đang tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương tại TP Hô-nô-lu-lu, bang Ha-oai.
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nước đánh giá cao quan hệ tốt đẹp của các nước với Việt Nam, trao đổi biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế -thương mại. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chi-lê X.Pi-nê-ra đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi-lê. Chủ tịch nước và Tổng thống Pê-ru Ô.U-ma-la chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam với Bộ Kinh tế và Tài chính Pê-ru về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hải quan.
* Trong khuôn khổ Tuần cấp cao APEC, tại TP Hô-nô-lu-lu đã diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Thương mại APEC lần thứ 23 dưới sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn và Đại diện Thương mại Mỹ R.Cớt. Tham dự hội nghị có các bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng liên quan và bộ trưởng thương mại của 21 nền kinh tế thành viên, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) P.La-mi, các đại diện của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN). Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta tham dự hội nghị.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng đối với khu vực hiện nay, nhất là nâng cao hợp tác khu vực trong bối cảnh mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng phó thiên tai và quản trị mở. Một điểm mới của hội nghị năm nay là các bộ trưởng đã có một số phiên đối thoại cùng đại diện các doanh nghiệp về những chủ đề được quan tâm tại khu vực. Các bộ trưởng đánh giá hợp tác của APEC trong năm 2011 đã đạt nhiều kết quả thực chất, nhất là về tăng cường liên kết kinh tế khu vực, các nội dung và thách thức mới về thương mại, tăng trưởng xanh, ứng phó thiên tai… Các bộ trưởng nhất trí đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Bô-go, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy chính sách sáng tạo, tăng cường hợp tác công-tư và đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm sớm kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, thế giới và khu vực đang bước sang một giai đoạn mới với nhiều thách thức nhưng cũng có vận hội lớn, các tiến trình hợp tác đều có bước phát triển rõ rệt theo hướng thực chất và gắn kết hơn, củng cố cục diện đa tầng nấc tiểu vùng, tiểu khu vực và khu vực. Bộ trưởng đề xuất cần tạo dựng một cấu trúc khu vực bền vững, phù hợp những thay đổi và tính đa dạng ở khu vực, tăng cường giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đáp ứng các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Bộ trưởng nhấn mạnh trong một cấu trúc khu vực đang định hình, vai trò trung tâm của ASEAN là hết sức quan trọng.
Tại phiên họp về thiên tai, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, thiên tai và biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn đề cấp bách, đặc biệt tại châu Á – Thái Bình Dương, nơi phải hứng chịu tới 70% số các vụ thiên tai trên thế giới. Bộ trưởng ủng hộ việc APEC coi an ninh con người, nhất là ứng phó tình trạng khẩn cấp, là một trong những ưu tiên hợp tác. Qua kinh nghiệm của Việt Nam, Bộ trưởng đề xuất APEC chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng, hợp tác cứu hộ cứu nạn trên biển, cử các đội cứu trợ, tái thiết và hoạt động nhân đạo, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp.
Các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố của hội nghị kèm theo sáu văn kiện, các tuyên bố về “Ứng phó với thiên tai tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, “Quản trị mở và tăng trưởng kinh tế” và “WTO, đàm phán Đô-ha và chống chủ nghĩa bảo hộ”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các đồng nghiệp Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Mê-hi-cô… Các bộ trưởng nhất trí cần nỗ lực nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh hợp tác kinh tế – thương mại, phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm trong các khuôn khổ hợp tác đa phương như APEC.
Theo Nhandan
Ý kiến ()