Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự các hoạt động tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23
Tại cuộc gặp Tổng thống Pê-ru Ô-gian-ta U-ma-la Tát-xô, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Pê-ru. Để tăng cường quan hệ hợp tác thực chất và hiệu quả, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên sớm đưa vào hoạt động Ủy ban liên Chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật, đàm phán ký kết hiệp định khung về thương mại và đầu tư.
* Các nhà lãnh đạo TPP ra Tuyên bố chung
Chiều 18-11, lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tới tham dự Tuần lễ cấp cao lần thứ 23 của Diễn đàn APEC được tổ chức trọng thể tại Trung tâm hội nghị quốc tế tại thủ đô Ma-ni-la, Phi-li-pin. Tổng thống Phi-li-pin B.A-ki-nô chủ trì lễ đón. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự lễ đón và chụp ảnh lưu niệm với các nhà lãnh đạo APEC.
Ngay sau đó, đã diễn ra Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Ki, Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Can-la và Trưởng đại diện Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) M.Frô-men đồng chủ trì một nhóm đối thoại với các doanh nghiệp thành viên ABAC. Các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường đối tác công – tư nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng bền vững, bao trùm và phát triển dịch vụ. Phát biểu ý kiến tại Đối thoại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện thành công các mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam để bảo đảm tăng trưởng đồng đều cho mọi người dân, nhất là các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
★ Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Đối thoại không chính thức lần đầu của các nhà lãnh đạo APEC với Liên minh Thái Bình Dương, gồm bốn nền kinh tế Mỹ la-tinh là Pê-ru, Mê-hi-cô, Chi-lê và Cô-lôm-bi-a. Đối thoại được tổ chức theo sáng kiến của chủ nhà Phi-li-pin. Phát biểu ý kiến tại Đối thoại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ ủng hộ tăng cường phối hợp giữa APEC và Liên minh Thái Bình Dương, và khẳng định, Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp hiệu quả với các cơ chế đa phương khác, trong đó có Liên minh Thái Bình Dương và Cộng đồng ASEAN. Chủ tịch nước đã đề xuất một số lĩnh vực cụ thể các thành viên của hai diễn đàn có thể tăng cường hợp tác.
★ Tối cùng ngày, tại Trung tâm Thương mại châu Á, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã dự Tiệc chiêu đãi trọng thể và chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc chào mừng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và các phu nhân, do Tổng thống Phi-li-pin B.A-ki-nô chủ trì.
★ Chiều 18-11, cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lần thứ sáu đã diễn ra tại Ma-ni-la, Phi-li-pin. Đây là lần gặp lại nhau đầu tiên kể từ khi kết thúc đàm phán tại Át-lan-ta, Hoa Kỳ tháng 10 vừa qua của các nhà lãnh đạo của 12 quốc gia thành viên, gồm Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po, Hoa Kỳ và Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp.
Phát biểu ý kiến khai mạc, Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma đánh giá cao quyết tâm chung và nỗ lực vượt bậc của tất cả các thành viên kết thúc thành công Hiệp định TPP lịch sử sau hơn 5 năm đàm phán. Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh, đây không chỉ là thành quả to lớn, thể hiện tầm nhìn chung của 12 quốc gia TPP, mà còn đối với tương lai của khu vực, góp phần xác định các quy tắc thương mại của châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới.
Trong các phát biểu tiếp đó, các nhà lãnh đạo chia sẻ niềm vui chung và bày tỏ tin tưởng, với mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư sâu rộng nhất, Hiệp định TPP sẽ thúc đẩy, mở rộng các liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên, tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực, đồng thời hứa hẹn tạo thêm cơ hội việc làm mới cho người dân, nhất là thanh niên, ở các nước TPP. Các nhà lãnh đạo khẳng định cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn và sớm đưa Hiệp định TPP đi vào thực thi để người tiêu dùng, người lao động, nông dân và doanh nghiệp ở các quốc gia thành viên có thể hiện thực hóa các lợi ích chung mà TPP mang lại.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, hoàn tất Hiệp định TPP cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là những dấu mốc có ý nghĩa to lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng, liên kết khu vực, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững, bao trùm của APEC và cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chủ tịch nước cho rằng, việc thực thi Hiệp định sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là đối với các thành viên đang phát triển. Đồng thời, đề nghị các thành viên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau để bảo đảm sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định TPP theo đúng lộ trình. Để đạt được mục tiêu chung này, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên cần tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, quan tâm thỏa đáng đến thực tiễn và sự đa dạng về trình độ phát triển của các nước TPP, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi để bảo đảm người dân ở các quốc gia thành viên đang phát triển có thể được hưởng lợi từ Hiệp định TPP.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, việc Hiệp định TPP ngày càng nhận được sự quan tâm của các đối tác ở khu vực là tiền đề thuận lợi hướng tới việc hình thành Khu vực Thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương, góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn và ý nghĩa của Hiệp định TPP đối với tiến trình liên kết khu vực trong giai đoạn mới.
Kết thúc cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của 12 quốc gia thành viên cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn ở mỗi nước để sớm đưa Hiệp định TPP đi vào thực thi.
Diễn ra vào dịp các Hội nghị cấp cao APEC, cuộc họp cấp cao Hiệp định TPP đã trở thành thông lệ hằng năm kể từ khi đàm phán TPP được chính thức khởi động từ năm 2010. Cuộc họp năm nay có ý nghĩa quan trọng, ghi dấu mốc hoàn tất một Hiệp định TPP cân bằng, toàn diện sau hơn 5 năm đàm phán. Toàn bộ nội dung của Hiệp định đã được công bố tại các nước TPP vào ngày 5-11 vừa qua để doanh nghiệp và người dân tham khảo. Hiện 12 quốc gia thành viên đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục nội bộ để có thể sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định theo lộ trình.
★ Ngày 18-11, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Ma-ni-la, Phi-li-pin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp Tổng thống Pê-ru, Thủ tướng Ma-lai-xi-a, Thủ tướng Nga và tiếp Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc). Hai bên nhất trí trao đổi kinh nghiệm để thực thi hiệu quả các cam kết TPP khi hiệp định này có hiệu lực. Với việc Pê-ru và Việt Nam là chủ nhà APEC lần lượt trong các năm 2016 và 2017, giai đoạn bản lề đối với việc khởi động thực hiện các chiến lược liên kết then chốt của APEC và các mục tiêu Bô-go 2020, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các Năm APEC 2016 và 2017. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng mời Tổng thống Ô-gian-ta U-ma-la Tát-xô sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Ô-gian-ta U-ma-la Tát-xô cảm ơn và sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
★ Tại cuộc gặp Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc, Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2015 là dấu mốc rất quan trọng khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên nhất trí cụ thể hóa và triển khai các nội hàm Đối tác chiến lược, sớm tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế, khoa học, kỹ thuật; thúc đẩy hoàn tất rà soát các thủ tục nội bộ để sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định TPP, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về nâng cao năng lực thực thi hiệp định này. Chủ tịch nước đánh giá cao Ma-lai-xi-a trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2015 đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Thủ tướng Ma-lai-xi-a cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Ma-lai-xi-a hoàn thành tốt vai trò này trong thời điểm Cộng đồng ASEAN sắp hình thành. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã chuyển lời thăm hỏi và trân trọng mời Nhà vua Ma-lai-xi-a sớm thăm Việt Nam.
★ Tại cuộc gặp Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép, hai bên bày tỏ vui mừng trước việc trong năm 2015 vừa qua, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – LB Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ và thực chất, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu đã kết nối chặt chẽ không gian kinh tế của hai nước, đồng thời tạo ra xung lực mới, gắn kết Nga và Liên minh với Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần tiếp tục làm sâu sắc và triển khai hiệu quả các nội hàm Đối tác chiến lược và đề nghị Nga, với tư cách là hạt nhân trong Liên minh kinh tế Á – Âu, thúc đẩy các thành viên khác sớm hoàn tất phê chuẩn để đưa FTA đi vào thực hiện. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thực chất và hiệu quả hơn nữa, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán để thúc đẩy thương mại hai chiều và tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Chủ tịch nước cũng đề nghị Thủ tướng Mét-vê-đép ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2017.
★ Tiếp Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) Lương Chấn Anh, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng quan hệ hợp tác Việt Nam – Hồng Công có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân, cùng với sự phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Chủ tịch nước nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, khuyến khích các doanh nghiệp Hồng Công mở rộng đầu tư, kinh doanh với Việt Nam để tranh thủ những cơ hội khi Việt Nam là thành viên của Cộng đồng ASEAN, Hiệp định TPP và nhiều FTA lớn khác; hoan nghênh thúc đẩy đàm phán FTA ASEAN – Hồng Công; đề nghị Hồng Công sớm dỡ bỏ cảnh báo du lịch đến Việt Nam. Ông Lương Chấn Anh nhấn mạnh, Hồng Công đang đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối kinh tế với khu vực Đông – Nam Á, trong đó có Việt Nam; khẳng định sẽ tạo thuận lợi cấp thị thực cho công dân Việt Nam sang Hồng Công du lịch, làm việc, khuyến khích các trường đại học Hồng Công tiếp nhận sinh viên Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh ông Lương Chấn Anh sang thăm và dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.
★ Chiều cùng ngày, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long và Tổng thống Cô-lôm-bi-a để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()