Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu ý kiến tại Lễ khai mạc kỳ họp lần thứ 3 - ABAC 2012
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các doanh nhân các nước dự kỳ họp. ( Ảnh: NGUYỄN KHANG (TTXVN) )- Ngày 16-7, tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã khai mạc kỳ họp thứ ba năm 2012, nhằm thảo luận và đưa ra báo cáo chính thức, khuyến nghị, nội dung đối thoại gửi lên các nhà lãnh đạo APEC tại kỳ họp cấp cao sẽ diễn ra tháng 9-2012 tại Vla-đi-vốt-xtốc, LB Nga. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu ý kiến.Chủ tịch nước nói: Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các thành viên ABAC và các quý đại biểu đã đến Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 3 của ABAC năm 2012. Năm ngoái, tôi đã rất vui mừng có dịp được gặp và trao đổi với các thành viên ABAC trong phiên đối thoại ở Ha-oai, và giờ đây, lại càng vui mừng được chào đón các bạn tại Việt Nam.Hiện nay, kinh tế thế giới vẫn còn trong tình trạng trì trệ, giao dịch thương mại suy giảm, tài chính toàn cầu bất ổn;...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các doanh nhân các nước dự kỳ họp. ( Ảnh: NGUYỄN KHANG (TTXVN) ) |
Chủ tịch nước nói: Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các thành viên ABAC và các quý đại biểu đã đến Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 3 của ABAC năm 2012. Năm ngoái, tôi đã rất vui mừng có dịp được gặp và trao đổi với các thành viên ABAC trong phiên đối thoại ở Ha-oai, và giờ đây, lại càng vui mừng được chào đón các bạn tại Việt Nam.
Hiện nay, kinh tế thế giới vẫn còn trong tình trạng trì trệ, giao dịch thương mại suy giảm, tài chính toàn cầu bất ổn; vòng đàm phán Đô-ha vẫn chưa được khai thông. Trong bối cảnh đó, một số nước có xu hướng áp dụng các biện pháp bảo hộ và rào cản thương mại. Hơn bao giờ hết, APEC cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, hành động mau chóng và quyết liệt trên các cấp độ quốc gia và khu vực để đẩy mạnh liên kết, thúc đẩy kinh tế khu vực phục hồi và phát triển bền vững, tiếp tục khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cùng chung nỗ lực với các nền kinh tế khu vực, Việt Nam quyết tâm vượt qua những khó khăn hiện tại, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với ba đột phá: tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và định chế tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Là một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đang tích cực hội nhập với kinh tế thế giới, triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế đa phương và song phương; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đối với Việt Nam, quan hệ hợp tác với các nền kinh tế APEC có một vai trò đặc biệt quan trọng. Các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm đến 65% vốn FDI, cung cấp 80% các sản phẩm nhập khẩu và là thị trường cho 60% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. 75% lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng là từ các nền kinh tế trong khu vực.
Trong năm 2012, qua hai kỳ họp của ABAC, tại Hồng Công (Trung Quốc) và Ma-lai-xi-a, ABAC đã có những khuyến nghị thiết thực gửi các Bộ trưởng APEC với những nội dung tập trung vào các vấn đề: tăng cường hội nhập kinh tế, hội nhập thị trường tài chính khu vực, thúc đẩy tự do hóa đầu tư và thương mại, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đầu tư công nghệ cao, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng xanh. Việt Nam đánh giá cao những khuyến nghị này. Nhiều nội dung khuyến nghị của ABAC có giá trị thiết thực đối với một nền kinh tế đang phát triển như của Việt Nam. Do vậy, chúng tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp APEC cần có biện pháp hành động thực tế để:
– Phát triển hạ tầng thông qua quan hệ đối tác công tư (PPP), tăng cường tính kết nối của các nền kinh tế APEC, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nền kinh tế đang phát triển có thể tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực;
– Chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực về nông nghiệp, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhằm tăng cường an ninh lương thực;
– Hợp tác và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch và tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng và sự tăng trưởng bền vững.
Chúng tôi ủng hộ việc APEC cần thể hiện vai trò đi đầu trong tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, bảo đảm an ninh, hòa bình trong khu vực để vươn tới các Mục tiêu Bogor và Tầm nhìn của Khu vực Tự do mậu dịch của châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Từ năm 2009, Việt Nam tham gia sáng kiến P4 và hiện đang tích cực tham gia vòng đàm phán của TPP, nhằm đạt được mục tiêu mà các lãnh đạo của TPP đặt ra. Việt Nam và các bên tham gia TPP hiện đang tích cực thúc đẩy, đàm phán mở cửa thị trường và đến nay đã tiến hành trao đổi các bản chào sửa đổi trong nhiều lĩnh vực có yếu tố mở cửa thị trường như: thuế, dịch vụ và đầu tư, mua sắm công, dịch vụ tài chính… nhằm tìm giải pháp thúc đẩy mức độ tự do hóa, phù hợp với mục tiêu đặt ra cho Hiệp định TPP.
Kỳ họp tại thành phố Hồ Chí Minh lần này là một kỳ họp quan trọng của ABAC nhằm hoàn thiện các báo cáo và chuẩn bị các nội dung ABAC sẽ khuyến nghị để đệ trình lên lãnh đạo APEC trong cuộc đối thoại sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay tại Vla-đi-vốt-xtốc, Liên bang Nga. Tôi tin tưởng rằng, các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực, các thành viên ABAC sẽ có những sáng kiến mới đóng góp vào việc hiện thực hóa những mục tiêu chung của APEC, như chủ đề của ABAC năm 2012 đã nêu “Khát vọng thành hiện thực”.
Một lần nữa, tôi nhiệt liệt chào đón các bạn tới TP Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tôi tin tưởng trong thời gian ở đây, các bạn sẽ có thời gian không chỉ để trao đổi các vấn đề kinh tế khu vực mà còn để khám phá các di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên.
Chúc các bạn có một kỳ họp thành công, có những kỷ niệm đẹp cũng như tìm được các cơ hội hợp tác với Việt Nam. Chúc kỳ họp thành công. Chúc các bạn sức khỏe và hạnh phúc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()