Ngày 17-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư đã làm việc với Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh "Bên cạnh tăng về số lượng, Liên đoàn Luật sư cần chú ý bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của con người, bảo vệ công lý, công bằng và sự nghiêm minh của pháp luật".Theo báo cáo của Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ sau hơn ba năm thành lập và đi vào hoạt động (tháng 5-2009), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết, quy tụ hơn 7.600 luật sư trong cả nước. Sự tham gia của 30 luật sư vào Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn III với việc rà soát thủ tục hành chính ở ba lĩnh vực: Chứng thực, Quốc tịch và Xuất nhập cảnh đã khẳng định sự đóng góp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị,...
Ngày 17-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư đã làm việc với Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh “Bên cạnh tăng về số lượng, Liên đoàn Luật sư cần chú ý bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của con người, bảo vệ công lý, công bằng và sự nghiêm minh của pháp luật”.
Theo báo cáo của Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ sau hơn ba năm thành lập và đi vào hoạt động (tháng 5-2009), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết, quy tụ hơn 7.600 luật sư trong cả nước. Sự tham gia của 30 luật sư vào Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn III với việc rà soát thủ tục hành chính ở ba lĩnh vực: Chứng thực, Quốc tịch và Xuất nhập cảnh đã khẳng định sự đóng góp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý của đất nước.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những đóng góp của giới luật sư Việt Nam trong việc tham gia xây dựng pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đã có quyết định đúng đắn khi thành lập tổ chức Liên đoàn Luật sư. Thông qua hoạt động, Liên đoàn đã góp phần phát huy được tính tập thể và vai trò của giới luật sư. Chủ tịch nước cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục đó là việc thu hút nhân lực làm nghề luật sư còn thiếu cơ chế, chính sách. Số luật sư tham gia tranh tụng còn ít, chỉ chiếm 9 đến 10%, trong tổng số các vụ án. Đội ngũ luật sư tư vấn cho cá nhân, doanh nghiệp còn thiếu. Chủ tịch nước cho rằng, để đáp ứng được quá trình hội nhập, đội ngũ luật sư cần được chú trọng xây dựng cả về số lượng và chất lượng.
Chủ tịch nước đề nghị trong quá trình cải cách tư pháp, Liên đoàn Luật sư cần phối hợp các cấp, các ngành nâng cao vai trò của luật sư trong việc tham gia quá trình tố tụng ngay từ đầu. Chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa cũng cần chú trọng nhằm hạn chế cao nhất những oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, sự nghiêm minh của pháp luật.
Về một số kiến nghị của Liên đoàn Luật sư: Xem xét sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý phát huy vai trò luật sư; tạo điều kiện cơ sở vật chất, tài chính, tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động của Liên đoàn và các Đoàn luật sư với các cơ quan chức năng, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đó có Liên đoàn Luật sư, những kiến nghị của Liên đoàn sẽ được xem xét giải quyết trong thời gian tới nhằm xây dựng đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()