Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Ðảng đoàn Quốc hội; gặp mặt đại biểu Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư
Ngày 27-8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) T.Ư đã làm việc với Ðảng đoàn Quốc hội (QH) về tình hình quán triệt thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Ðảng đoàn QH chủ trì buổi làm việc.
Thời gian qua, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, Ðảng đoàn QH đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của QH, Ðoàn đại biểu QH, các đại biểu QH, cán bộ, đảng viên công tác tại các cơ quan của QH nghiên cứu, quán triệt các mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP được đề ra trong các nghị quyết của Ðảng, nhất là Nghị quyết 49/NQ/TW để thể chế hóa đúng và đầy đủ trong công tác xây dựng pháp luật của QH.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng đoàn QH, QH đã tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo đúng chủ trương, định hướng lớn nêu trong Chiến lược CCTP của Ðảng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng CCTP.
Phát biểu tại phiên làm việc, các thành viên Ðoàn kiểm tra đều nhất trí đánh giá cao sự chỉ đạo của Ðảng đoàn QH trong công tác CCTP; nhấn mạnh bên cạnh nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, phải tăng cường hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử đối với các hoạt động tư pháp và cơ quan tư pháp; làm rõ việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan và nội hàm của “quyền tư pháp” được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi);…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận ý kiến của các đại biểu và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu hoàn thiện báo cáo của Ðảng đoàn QH để có định hướng chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Chủ tịch QH nhấn mạnh: Khi thể chế hóa các quy định pháp luật cần chỉ rõ vai trò độc lập của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng, thực hiện quyền tư pháp, nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau. Ðặc biệt nâng cao hơn công tác giám sát của các cơ quan dân cử.
Hoan nghênh QH đã quán triệt chủ trương của Ðảng và thực thi có hiệu quả chiến lược CCTP từ khâu xây dựng luật, giám sát, chất vấn hoạt động của các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Kết luận 92 của Bộ Chính trị là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược CCTP đến năm 2020.
Chủ tịch nước đề nghị trên cơ sở Hiến pháp sửa đổi năm 2013 cần nâng cao chức năng giám sát của QH đối với hoạt động tư pháp; có chế tài xử lý khi phát hiện ra vấn đề. Chủ tịch nước cũng lưu ý sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành và QH để đẩy mạnh hơn công tác thể chế hóa với mục tiêu bảo đảm chất lượng và đồng bộ trong xây dựng pháp luật.
Tán thành với định hướng của Ðảng đoàn QH trong triển khai chiến lược CCTP, Chủ tịch nước cho rằng, cần quán triệt sâu sắc chủ trương của Ðảng, Nhà nước và thực tiễn để quá trình luật hóa thật sự đi vào cuộc sống. Ðề cập những ý kiến khác về cần làm rõ quyền tư pháp và sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp…, Chủ tịch nước khẳng định chủ trương được ghi nhận trong Hiến pháp (sửa đổi năm 2013) và Kết luận 92 là đúng đắn, đề nghị cần sớm nghiên cứu, làm rõ nội hàm để thống nhất và thể chế hóa ngay trong luật tổ chức các cơ quan chức năng khối tư pháp và luật chuyên ngành có liên quan đến tư pháp sắp tới, tạo nền tảng cho công tác CCTP có bước tiến mới trong thời gian tới.
* Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt thân mật các đại biểu đại diện cho 79 nghìn đảng viên và người lao động trong Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư.
Từ năm 2011 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các cấp ủy đảng trong Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư đã lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty duy trì và đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn có hiệu quả. Tổng doanh thu của các đơn vị trong Khối năm 2013 tăng 8,3% lên hơn 1.800 nghìn tỷ đồng so với năm 2011; đóng góp ngân sách năm 2013 đạt 297 nghìn tỷ đồng; chiếm 36% tổng thu ngân sách nhà nước. Hằng năm, Khối Doanh nghiệp T.Ư đóng góp gần 40% tổng thu ngân sách quốc gia và hơn 30% tăng trưởng GDP của cả nước. Thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đến nay toàn bộ 28 đơn vị trong Khối đã hoàn thành xây dựng đề án. Hơn 5 năm qua, Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư đã tham gia hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền 10.500 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho 1,3 triệu lao động.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của Khối Doanh nghiệp nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Chủ tịch nước nêu rõ, từ khi đất nước đổi mới, doanh nghiệp Khối nhà nước đã phát triển nhanh, đóng góp cho sự tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, dù vẫn chiếm 60% tỷ trọng nền kinh tế, nhưng chỉ số chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước giảm hẳn. Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt, còn nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
Chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt, Chủ tịch nước lưu ý, trước các dấu mốc thời gian mở cửa hội nhập theo các hiệp định Việt Nam cam kết đang đến gần, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, doanh nghiệp nhà nước cần tích cực tìm kiếm thị trường mới ở ngoài nước, đồng thời giữ được thị trường trong nước; cùng với nâng cao sức cạnh tranh bằng ứng dụng khoa học công nghệ, cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp phụ trợ.
Ðặt câu hỏi vì sao sở hữu khối tài sản không nhỏ nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn thiếu tiền, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị lãnh đạo khối doanh nghiệp nhà nước cần nhanh chóng rà soát tính toán, cơ cấu lại khối tài sản để tổ chức sản xuất kinh doanh thật sự hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước phải có lộ trình giảm tỷ lệ tài sản sở hữu nhưng duy trì tăng đóng góp, làm cho cả nền kinh tế có bước chuyển biến mạnh. Chủ tịch nước lưu ý, trong quá trình vận hành, nếu phát sinh vướng mắc trong quản lý hành chính, lãnh đạo các doanh nghiệp cần mạnh dạn tháo gỡ, đồng thời vận dụng những chủ trương, quyết sách mới phù hợp tình hình thực tiễn, quy luật phát triển. Mặt khác, cần chú ý nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý để phát huy quyền làm chủ của người lao động, đồng thời giúp các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình, kịp thời có giải pháp hỗ trợ.
Tại buổi gặp mặt, đại diện Ban Thường vụ Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư; đảng ủy các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành Ðề án mô hình tổ chức của đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước; sớm ban hành quy định về phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước; quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy cấp trên cơ sở trong đảng bộ Khối; chỉ đạo đẩy nhanh việc nghiên cứu thành lập cơ quan thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với các doanh nghiệp; các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()