Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp
Chiều nay (31/7), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020.
Chiều nay (31/7), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sangcùng các thành viên đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã nghe Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp báo cáo những kết quả đạt được sau 8 năm triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. |
Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đã chỉ đạo sát sao việc thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn các định hướng, giải pháp CCTP theo tinh thần Nghị quyết 49. Thống kê ban đầu cho thấy, từ tháng 6/2005 đến 6/2013 có tới 63 văn bản (chiếm tỷ lệ 35%) trực tiếp liên quan đến CCTP. Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì soạn thảo 22/23 dự án luật, pháp lệnh, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thể chế về tổ chức hoạt động của ngành. Bộ cũng đã chủ động, mạnh dạn triển khai chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương này. Bên cạnh đó, chủ trương của Nghị quyết 49 về hoạt động trợ giúp pháp lý, thí điểm thành lập Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh được hiện thực hóa một cách nhất quán đã thúc đẩy sự ra đời của các nghề luật mới đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp đã có sự lớn mạnh đáng ghi nhận cả về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống tư pháp luôn được Bộ Tư pháp coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của ngành; công tác hợp tác quốc tế về tư pháp từng bước đi vào chiều sâu…
“Các kết quả trên đã đóng góp thiết thực vào thành tựu chung về phát triển kinh tế – xã hội đất nước; vai trò của ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định, vị trí ngành Tư pháp ngày càng được củng cố, tăng cường và được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới” – Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhận định.
Tuy nhiên, qua 8 năm triển khai cũng đã bộc những hạn chế, yếu kém như: Việc xây dựng dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm chưa toàn diện, đồng bộ; thiếu dự báo mang tính chiến lược và sự ưu tiên trong việc giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống xã hội; thể chế dân sự hiện hành vẫn còn những quy định chồng chéo, mâu thuẫn và trùng lắp trong các “tầng lớp”, “cấp độ” văn bản khác nhau. Công tác thi hành án dân sự (THADS) chưa đáp ứng được yêu cầu kể cả về tiến độ thực hiện cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ; tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập…
Khẳng định “nhiều chủ trương CCTP được xác định trong Nghị quyết là đúng đắn, sáng suốt”, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp kiến nghị Ban chỉ đạo CCTP Trung ương chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác tổng kết và đưa ra được những kết luận, kiến nghị rõ ràng về từng chủ trương, định hướng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, kiến nghị Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện hoặc bổ sung, phát triển những chủ trương, định hướng đúng đắn, đồng thời yêu cầu dừng, không thực hiện những chủ trương, định hướng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn từ nay đến 2020.
Tại buổi làm việc, đại diện các Ban của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương và các cơ quan tư pháp cơ bản đồng tình với báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện Nghị quyết số 49, trong đó đánh giá cao sự nỗ lực, kiên trì của Bộ Tư pháp trong nhiều vấn đề liên quan đến CCTP, nhất là về thể chế hóa nhiều chủ trương của Nghị quyết 49 qua hoạt động hoàn thiện thể chế, xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý…Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Bộ Tư pháp cần tập trung khắc phục hạn chế trong những lĩnh vực “nóng” như xã hội hóa hoạt động công chứng, luật sư, giám định tư pháp, thống nhất quản lý thi hành án dân sự, đào tạo các chức danh tư pháp và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ; đồng thời cần rà soát, xác định thứ tự ưu tiên để hoàn thành các nhiệm vụ có trọng tâm trọng điểm… nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và CCTP, cũng như góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận sự tích cực, nỗ lực và những kết quả đã đạt được của Bộ Tư pháp sau 8 năm thi hành Nghị quyết 49, trong đó đã đóng góp nhiều sáng kiến, giúp cho Đảng, Nhà nước trong việc kiện toàn, đổi mới trong lĩnh vực CCTP.
Tuy nhiên, đối chiếu với Nghị quyết 49 và trước yêu cầu xây dựng ngành tư pháp là một bộ phận cấu thành của Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, bên cạnh việc đánh giá kết quả đã đạt được cần mạnh dạn nêu rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp nhằm hướng tới nền tư pháp vững mạnh như mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Không có Nghị quyết nào bao quát được hết các vấn đề của cuộc sống. Nhiều vấn đề chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và cuộc sống có nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi phải giải quyết nên cần cố gắng để hoàn thành” – Chủ tịch nước lưu ý.
Chủ tịch nước yêu cầu:Với những khó khăn vướng mắc còn tồn đọng, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, phát huy nhân tố tích cực, rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong lĩnh vực cải cách tư pháp.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()