* Thông điệp của Chủ tịch nước tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC 2012 Theo Đặc phái viên TTXVN, nhận lời mời của Tổng thống LB Nga Vla-đi-mia Pu-tin, ngày 6-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến TP Vla-đi-vô-xtốc, LB Nga, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20 (APEC 20) và tham gia các hoạt động tại khu vực Viễn Đông của LB Nga.Đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn Việt Nam tại sân bay có lãnh đạo tỉnh Pri-mo-rơ-xcơ, Cục Lễ tân LB Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đang tham dự các hoạt động của tuần lễ APEC; Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn cùng các cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Vla-đi-vô-xtốc.Trong bối cảnh vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có APEC, không ngừng được nâng cao, chuyến tham dự Hội nghị cấp...
* Thông điệp của Chủ tịch nước tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC 2012
Theo Đặc phái viên TTXVN, nhận lời mời của Tổng thống LB Nga Vla-đi-mia Pu-tin, ngày 6-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến TP Vla-đi-vô-xtốc, LB Nga, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 20 (APEC 20) và tham gia các hoạt động tại khu vực Viễn Đông của LB Nga.
Đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn Việt Nam tại sân bay có lãnh đạo tỉnh Pri-mo-rơ-xcơ, Cục Lễ tân LB Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đang tham dự các hoạt động của tuần lễ APEC; Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn cùng các cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Vla-đi-vô-xtốc.
Trong bối cảnh vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có APEC, không ngừng được nâng cao, chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC 20 của Chủ tịch nước cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có APEC. Qua sự đóng góp tích cực vào hợp tác APEC và các nội dung lớn của Hội nghị, Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ chính trị, thương mại, đầu tư với các đối tác, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên APEC.
Ngay sau khi đến Vla-đi-vô-xtốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi gặp gỡ các cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự quán và đại diện cộng đồng người Việt đang sinh sống và học tập tại đây. Đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam cùng kiều bào đã báo cáo với Chủ tịch nước về hoạt động của cộng đồng tại vùng Viễn Đông rộng lớn của LB Nga. Với hơn 3.000 người sinh sống, học tập và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội trên đất nước Nga, cộng đồng người Việt tại đây không ngừng đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tăng cường giao lưu với cộng đồng dân cư sở tại. Nhiều doanh nhân người Việt đã bước đầu thành công trong kinh doanh các ngành nghề xây dựng, dịch vụ, góp phần nâng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Vla-đi-vô-xtốc đạt 120 triệu USD mỗi năm.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nhiều lưu học sinh Việt Nam du học tại Vla-đi-vô-xtốc đã đạt thành tích tốt, được chính quyền sở tại đánh giá cao. Đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam cùng kiều bào bày tỏ vui mừng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang động viên thăm hỏi, chúc chuyến đi của Chủ tịch nước cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thành công.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp trên các lĩnh vực của các cán bộ, nhân viên lãnh sự quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Vla-đi-vô-xtốc. Thông báo những nét chính về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu đã góp phần làm thúc đẩy tình hữu nghị và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga. Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam học tập, công tác tại nước ngoài, Chủ tịch nước khuyến khích các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nước bạn trong đó có vùng Viễn Đông. Vùng Viễn Đông của Nga là địa chỉ thích hợp để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, tận dụng nguyên liệu, chế biến thương phẩm, xuất khẩu sang nước thứ ba. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang căn dặn các doanh nghiệp kiều bào cần đón cơ hội khi Việt Nam và Nga khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan (gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan). Đây sẽ là điều kiện tốt để doanh nghiệp Việt Nam trên đất Nga mở rộng đầu tư, kinh doanh. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc bà con làm ăn phát đạt trên vùng đất mới, đề nghị cộng đồng người Việt tuân thủ tốt luật pháp của nước sở tại, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, hướng về quê hương đất nước.
* Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có Thông điệp tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC 2012. Báo Nhân Dân xin trích đăng Thông điệp của Chủ tịch nước:
Hơn bao giờ hết, các thành viên APEC chúng ta đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn. Đó là đẩy mạnh liên kết kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó là duy trì vai trò đầu tàu của châu Á – Thái Bình Dương trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi và phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Đó cũng chính là cùng ứng phó với các thách thức đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực và của toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, chênh lệch trình độ phát triển…
Trong cục diện quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh, khôn lường, Việt Nam có lợi ích và mong muốn nỗ lực hết mình, cùng các thành viên APEC, gánh vác những trách nhiệm chung to lớn trên. Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược phát triển mới – tiếp tục đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Đây là khu vực luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự phát triển của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh và phát triển. Quan hệ hợp tác nhiều mặt và liên kết kinh tế – thương mại của Việt Nam với khu vực liên tục phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu.
Một trong những định hướng chính sách lớn của chúng tôi là góp phần củng cố các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc, từ tiểu vùng đến khu vực Đông-Nam Á, Diễn đàn APEC và cả châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam đang tập trung triển khai các cam kết, các chương trình thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối khu vực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết kinh tế ASEAN với các đối tác, thực hiện các Mục tiêu Bô-go… Chúng tôi đang cùng các thành viên tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); mới đây đã khởi động đàm phán Hiệp định FTA với Hàn Quốc; sẽ khởi động đàm phán Hiệp định FTA với Liên minh thuế quan Nga – Bê-la-rút – Ca-dắc-xtan vào thời gian tới. Đây là những nền tảng để Việt Nam mở rộng hợp tác, liên kết khu vực trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, và quan trọng hơn là để góp phần duy trì sự phát triển năng động của châu Á – Thái Bình Dương. Ở trong nước, chúng tôi đang nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng hợp lý, và triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng tôi đang tích cực tìm các giải pháp để tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; đồng thời quyết tâm chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng tính ổn định, minh bạch chính sách kinh tế, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho đầu tư kinh doanh.
Các bạn đã đồng hành với chúng tôi trong hơn 25 năm Đổi mới vừa qua. Hãy tiếp tục chung tay cùng chúng tôi trong giai đoạn then chốt hiện nay và sắp tới. Chúng tôi cần các bạn đóng góp xây dựng chính sách, đề xuất và cùng triển khai các biện pháp cụ thể trong nỗ lực trên. Chúng tôi luôn lắng nghe những quan tâm của các bạn, đang và sẽ làm hết sức mình để tạo ra một môi trường thuận lợi, lành mạnh nhất để các bạn kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ góp phần tạo nên sự năng động, thịnh vượng chung của khu vực. Một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ đem lại những lợi ích cho các bạn.
* Trong hai ngày 5 và 6-9, tại TP Vla-đi-vô-xtốc, LB Nga, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) với sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Ngoại giao Nga La-vơ-rốp và Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Bê-lu-xốp. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội nghị.
Các Bộ trưởng đánh giá việc triển khai các ưu tiên hợp tác APEC trong năm qua; khẳng định tăng cường tự do hóa thương mại, đầu tư và liên kết kinh tế khu vực, bảo đảm an ninh lương thực, thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo là những biện pháp quan trọng cần được tiếp tục ưu tiên triển khai. Hội nghị đã thông qua nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, trong đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Bô-go, nỗ lực kết thúc thành công Vòng đàm phán Đô-ha, hợp tác về các vấn đề thương mại và đầu tư “thế hệ mới”, kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao đồng bộ chính sách, cải cách cơ cấu, tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế – xã hội… Tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là an ninh lương thực và thiên tai, là những nội dung hàng đầu được quan tâm và thảo luận tại Hội nghị lần này. Các Bộ trưởng nhấn mạnh quyết tâm triển khai cam kết của Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 2 về An ninh lương thực được tổ chức tại Nga vào giữa năm nay, tăng cường hợp tác để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, chuyển giao công nghệ sinh học, quản lý bền vững hệ sinh thái…
Trên cương vị Việt Nam là đồng Chủ tịch Nhóm công tác APEC về ứng phó tình trạng khẩn cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị Diễn đàn APEC cần tiếp tục coi hợp tác ứng phó với thiên tai và các tình trạng khẩn cấp là một nội hàm cốt lõi nhằm bảo đảm an ninh con người và thực hiện Chiến lược tăng trưởng của APEC; đồng thời nêu các sáng kiến của Việt Nam về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng và tăng cường hợp tác APEC về cứu hộ, cứu nạn trên biển. Bộ trưởng đã chia sẻ những thành tựu về phát triển nông nghiệp cũng như những đóng góp của Việt Nam trong nỗ lực quốc tế bảo đảm an ninh lương thực. Bộ trưởng đề nghị cần gắn kết chặt chẽ việc bảo đảm an ninh lương thực với nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ, ứng phó với biển đổi khí hậu, khai thác và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước, đại dương và các tài nguyên biển.
Các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 24 và năm văn kiện kèm theo về các nội dung hợp tác về minh bạch hóa, chuỗi cung ứng đáng tin cậy, sáng tạo, hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Các kết quả và văn kiện của Hội nghị Bộ trưởng sẽ được trình lên các nhà Lãnh đạo APEC thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20.
* Nhân dịp Hội nghị, cùng ngày, đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 8 của các Bộ trưởng Kinh tế Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các thành viên TPP đã hoan nghênh Ca-na-đa và Mê-hi-cô tham gia đàm phán và nhất trí tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đàm phán để hoàn tất trong thời gian tới.
* Cũng trong thời gian Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các Bộ trưởng Ngoại giao LB Nga, In-đô-nê-xi-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Pê-ru… Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đã có các cuộc gặp với nhiều Bộ trưởng APEC. Tại các cuộc gặp, các Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của quan hệ song phương, và nhất trí tiếp tục làm sâu sắc quan hệ, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời tăng cường ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()