Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các nghệ sĩ. ( Ảnh: TRẦN HẢI ) Kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 19-5, tại Nhà hát TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần thứ tư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ bảy.Đến dự buổi lễ, có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương, Hà Nội và đông đảo các văn nghệ sĩ.Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, đã điểm lại quá trình đề cử và xét tặng giải thưởng,...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các nghệ sĩ. ( Ảnh: TRẦN HẢI ) |
Kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 19-5, tại Nhà hát TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần thứ tư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ bảy.
Đến dự buổi lễ, có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương, Hà Nội và đông đảo các văn nghệ sĩ.
Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, đã điểm lại quá trình đề cử và xét tặng giải thưởng, danh hiệu được tiến hành chặt chẽ qua ba cấp hội đồng cơ sở, cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố và cấp Nhà nước. Đồng chí nhấn mạnh: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là phần thưởng cao quý, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, với văn học, nghệ thuật- lĩnh vực quan trọng của văn hóa trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thời gian qua, công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các ban, bộ, ngành và địa phương triển khai trong cả nước với nguyên tắc bảo đảm xét chọn khách quan, dân chủ, công khai lựa chọn những tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật và các nghệ sĩ đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đúng thủ tục trình tự trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Chủ tịch nước. Quá trình xét chọn các giải thưởng, danh hiệu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo chặt chẽ công tác xét tặng trên tinh thần đổi mới, cải tiến các khâu thẩm định, đánh giá, kiểm tra chéo hồ sơ, công khai.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng các văn nghệ sĩ Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng các nghệ sĩ được trao tặng Giải thưởng và danh hiệu cao quý lần này, đồng chí nêu rõ: Những năm qua, nền văn học nghệ thuật của nước ta đã kế thừa phát huy chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, cống hiến cho nhân dân nhiều tác phẩm có giá trị cao trong tất cả các loại hình nghệ thuật, ở những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến của các thế hệ văn nghệ sĩ cho đất nước. Góp phần tạo nên những thành tựu đó, có sự đóng góp tích cực của các văn nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Với mục tiêu năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chúng ta phải gìn giữ, xây dựng được nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đượm tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng, là động lực và mục tiêu phát triển đất nước theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn học và nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, củng cố, đổi mới các hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới. Đồng chí tin tưởng các văn nghệ sĩ của chúng ta hôm nay, đặc biệt là các văn nghệ sĩ trẻ, sẽ bám sát thực tiễn của đất nước, tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, vốn sống, kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, thành tựu của nền văn học nghệ thuật cách mạng, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, trong đó có những tác phẩm ngang tầm với những chiến công vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu và lòng mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này được trao tặng cho 12 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao: lĩnh vực âm nhạc có hai cụm tác phẩm của các nhạc sĩ: Mai Văn Chung (đã mất) và Phạm Tuyên; lĩnh vực sân khấu có ba cụm tác phẩm của các tác giả: đạo diễn – NSND Nguyễn Đình Nghi (đã mất), đạo diễn – NSND Dương Ngọc Đức (đã mất), Sỹ Tiến (NSND Nguyễn Xuân Kim, đã mất); lĩnh vực văn học có bảy cụm tác phẩm của các tác giả: Phạm Tiến Duật (Phạm Lâm, đã mất), Hoàng Tích Chỉ, Ma Văn Kháng (Đinh Trọng Đoàn), Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh), Hồ Phương (Nguyễn Thế Xương), Đỗ Chu (Chu Bá Bình), Lê Văn Thảo (Dương Ngọc Huy). Cùng trong đợt trao tặng này có 74 nghệ sĩ đã được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
* Tối 19-5, tại Trung tâm tổ chức sự kiện – Khu du lịch Hồ Núi Cốc (xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên) tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự buổi lễ.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long nêu rõ: Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta đã phải bước vào một cuộc chiến đấu mới chống sự tái chiếm của thực dân Pháp. Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của những kẻ xâm lược. Người đã chỉ đạo trở lại Việt Bắc xây dựng An toàn khu kháng chiến lâu dài. Người khẳng định: 'Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi'. Cùng với Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên vinh dự được T.Ư Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng, là Thủ đô trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xóm Điềm Mặc, nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Với vị trí 'tiến có thể đánh, lui có thể giữ' và là 'nơi có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt', ATK Định Hóa – Thái Nguyên là nơi chủ yếu mà cơ quan của Đảng và Chính phủ làm việc và trở thành 'ATK tuyệt mật' – Trung tâm Thủ đô kháng chiến của cả nước.
Từ ATK Thái Nguyên, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng quyết định vận mệnh dân tộc đã ra đời như: Quyết định Chiến dịch Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên giới 1950, Quyết định thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao, quyết định triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Đại hội thống nhất Mặt trận Liên Việt – Việt Minh, Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất… Đặc biệt, đầu tháng 12-1953, tại lán Tỉn Keo, dưới chân Đèo De, Núi Hồng thuộc xã Phú Đình, Bác Hồ cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ – trận chiến quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: xây dựng, chiến đấu, bảo vệ Thủ đô kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng được cùng đồng chí, đồng bào dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về An toàn khu (ATK) lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt của ATK Định Hóa. (Toàn văn Bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).
* Chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo kháng chiến; 122 năm Ngày sinh của Bác, ngày 19-5, tại phường Thịnh Đán (TP Thái Nguyên), Công ty cổ phần Bất động sản Việt Bắc SVA (Tập đoàn Tài chính SVA) khởi công Dự án đường đô thị Đán – hồ Núi Cốc. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá đây là sự kiện thiết thực chào mừng, tưởng nhớ về kỷ niệm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Thái Nguyên, địa bàn ATK. Công trình đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng TP Thái Nguyên trở thành đô thị loại I, trung tâm vùng trung du Bắc Bộ. Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực để thi công, rút ngắn tiến độ và chú ý đến chất lượng công trình.
Đường đô thị Đán – hồ Núi Cốc có tổng vốn đầu tư 97 nghìn tỷ đồng, dài gần 13 km, chia thành hai đoạn: đoạn 1 dài 7,8 km, rộng 48 m, gồm sáu làn xe, đoạn 2 rộng 29 m, quy mô bốn làn xe,… sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công. Dự án được đầu tư theo phương thức xây dựng – chuyển giao (BT), hoàn vốn dự án bằng việc giao đất cho chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị.
Cùng ngày, Hội thảo khoa học chủ đề 'Bác Hồ với Thái Nguyên' được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa – Thái Nguyên (20-5-1947 – 20-5-2012) trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Gần 50 tham luận tại hội thảo tập trung phân tích: Bối cảnh và ý nghĩa lịch sử của sự kiện Bác Hồ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và T.Ư Đảng với quá trình hình thành căn cứ địa Việt Bắc và ATK Định Hóa; ATK – Dấu ấn của Hội đồng Chính phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1947-1954, v.v.
Theo Nhandan
Ý kiến ()