Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ kỷ niệm 38 năm thành lập Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 29/1, tại Cần Thơ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự lễ kỷ niệm 38 năm thành lập Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương |
Biểu dương những thành tựu mà Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đạt được và chúc mừng Viện về những phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước.
Những năm qua, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sức cạnh tranh còn thấp, đang đứng trước nhiều thuận lợi cũng như những thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đang đến gần và tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó đề ra nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đẩy mạnh thâm canh sản xuất lúa, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng.
Chủ tịch nước đề nghị Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long và đội ngũ cán bộ khoa học của Viện với vai trò vị trí hết sức quan trọng của mình, cần quán triệt sâu sắc, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết của Đảng.
Chủ tịch nước nêu rõ: Viện cần tiếp tục vươn lên làm chủ các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ sinh học, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, để chọn tạo ra nhiều giống lúa, cây trồng và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, phù hợp với điều kiện Đồng bằng sông Cửu Long và đất nước; đẩy mạnh chuyển giao khoa học, công nghệ, phổ biến và ứng dụng công nghệ canh tác hiện đại, tích cực phối hợp tham mưu tư vấn cho các địa phương, góp phần nâng cao năng suất của hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại cho nông dân; xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đất nước ta nói chung. Đồng thời phấn đấu xây dựng Viện trở thành Viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước ta gặp nhiều khó khăn, là một nước nông nghiệp, đất đai màu mỡ nhưng có lúc phải nhập khẩu lương thực với số lượng lớn. Với quyết tâm không để kéo dài tình trạng đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng “vựa lúa” Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bối cảnh đó, năm 1977, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, tiền thân của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập.
Trải qua những năm đầu gian nan, với lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, tập thể cán bộ khoa học của Viện đã nỗ lực nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn các giống lúa mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, thích nghi với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng, xây dựng được nhiều quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như dòng lúa OM do Viện lai tạo có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu được sâu bệnh nhưng vẫn có năng suất cao, giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thâm canh, tăng vụ; đưa năng suất lúa từ 2-3 tấn lên 6-7 tấn/ha/vụ và cao hơn; tăng thêm vụ 3 trên 800.000ha với sản lượng hơn 4 triệu tấn lúa. Kỹ thuật sạ lúa do Viện đưa ra đã nâng cao năng suất và tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng lúa giống mỗi năm. Những thành công của Viện đã góp phần quan trọng đưa sản lượng lúa toàn vùng từ 4,2 triệu năm 1976 lên 25 triệu tấn/năm hiện nay, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới.
Nhiều loại giống lúa, kỹ thuật canh tác do Viện đưa ra đã được nông dân nhiều vùng trong cả nước áp dụng, mang lại hiệu quả cao. Trên 12.000 máy gặt đập liên hợp do Viện cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát triển, đưa vào sử dụng đã làm giảm rơi rụng, thất thoát và giải quyết được vấn đề thiếu lao động trong mùa thu hoạch. Thuốc trừ sâu sinh học phòng trừ sâu rầy hại lúa do Viện nghiên cứu đưa vào sử dụng có hiệu quả cao về kinh tế và môi trường. Viện còn tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở nhiều trình độ khác nhau. Từ một trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, ngày nay, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu long đã trở thành một trong những Viện khoa học nông nghiệp hàng đầu của đất nước, có uy tín ở khu vực Đông Nam Á, với đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, cơ sở vật chất trang bị hiện đại; có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
* Cùng ngày, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Năm 2014, tình hình kinh tế – xã hội toàn vùng tiếp tục phát triển ổn định, chính sách an sinh xã hội được thực hiện có kết quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả vùng ước đạt 8,9%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38 triệu đồng/người/năm; tạo việc làm mới cho 330 ngàn lao động.
Nghe lãnh đạo Ban Chỉ đạo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của các tỉnh Tây Nam bộ, Chủ tịch nước nêu rõ, cùng với các bộ ngành, địa phương trong cả nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn năm 2015, trong đó tích cực chuẩn bị cho kết thúc 5 năm nhiệm kỳ Đại hội, đảm bảo thực hiện đạt vượt các chỉ tiêu, đồng thời đón đầu các dấu mốc hội nhập, thực hiện trách nhiệm với các hiệp định thương mại cam kết tham gia.
Điểm lại những phần việc làm được của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cấp hạ tầng, hạn chế tác động biến đổi khí hậu, Chủ tịch nhấn mạnh, đối với vùng Tây Nam bộ, trọng điểm là nông nghiệp với các mặt hàng: lúa, thủy sản, hoa quả nhưng trong các báo cáo, phải làm rõ hơn nội hàm; chỉ rõ hơn những giống cây, con có lợi thế, để tập trung đầu tư, thúc đẩy. Sản phẩm nào không còn phù hợp phải chuyển dịch. Quá trình chuyển dịch phải chú trọng giá trị gia tăng, nâng sức cạnh tranh và nguồn thu nhập cho người nông dân. Chủ tịch nước lưu ý, muốn tái cơ cấu nền kinh tế, các tỉnh phải chú trọng nâng chất lượng nguồn nhân lực đồng thời sử dụng vốn đầu tư hiệu quả để không làm tăng nợ công.
Chủ tịch nước cho rằng, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần chú trọng giải quyết những vấn đề đột xuất nổi lên của vùng, chủ động nắm tình hình, tham gia cùng các đoàn công tác Trung ương, tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh, thành trong vùng, dồn sức hoàn thành nhiệm vụ kinh tế – xã hội.
Theo CPV
Ý kiến ()