Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”
Sáng 4-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”. Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (LLPB VHNT) Trung ương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong hai ngày 3 và 4-10.
* Thăm Trường đại học Việt – Đức
Đánh giá cao ý nghĩa hội thảo, Chủ tịch nước cho rằng: Kết quả hội thảo sẽ góp phần làm cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là những nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với quá trình con người phát triển toàn diện nói chung và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của con người nói riêng. Đây thật sự là một hoạt động quan trọng của giới VHNT nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Điểm lại tình hình sau 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Chủ tịch nước nêu rõ: Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cũng còn không ít những khuyết điểm, yếu kém, bất cập trong xây dựng con người và môi trường văn hóa. Do vậy, trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và chủ động hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta cần phải chăm lo phát triển văn hóa, vì văn hóa tạo ra sức mạnh nội sinh, văn hóa còn là hệ điều tiết của sự phát triển. Chủ tịch nước khẳng định, Nghị quyết 33 Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) là bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa với một quan điểm chỉ đạo rất quan trọng là: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Để có được những giải pháp thiết thực, khả thi giúp VHNT có những đóng góp tích cực hơn nữa vào việc xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam, Chủ tịch nước yêu cầu cần thấu suốt hơn một số luận điểm cơ bản về văn hóa, nghệ thuật đã nêu trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X). Đội ngũ văn nghệ sĩ cần không ngừng phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng tăng lên của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển VHNT chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị của VHNT dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch. Các tác phẩm cần biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại; đề cao cái đúng, cái tốt đẹp; phê phán cái xấu, cái ác, cái thấp hèn. Đặc biệt coi trọng sáng tác VHNT cho thiếu niên nhi đồng gắn chặt việc nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ, dạy VHNT trong hệ thống giáo dục phổ thông. Đội ngũ LLPB VHNT cần được quan tâm xây dựng, phát triển cả về chất lượng và số lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; góp sức thẩm định đúng đắn các giá trị đích thực của tác phẩm VHNT; làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội trong quá trình sáng tác, quảng bá, biểu diễn VHNT. Các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cùng các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện các chương trình, đề án để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về VHNT.
Sau hai ngày làm việc, hội thảo đã nhận được gần 100 tham luận và nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp; đi sâu đề cập thực trạng nhân cách trong Đảng, trong xã hội và phân tích nguyên nhân. Hầu hết ý kiến khẳng định VHNT đã có những đóng góp lớn trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế với hàng loạt tác phẩm có giá trị thức tỉnh, bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, lòng yêu nước, tự hào dân tộc; hướng tới xây dựng phẩm chất đạo đức mới, lý tưởng, nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam. Tuy vậy, vẫn còn một số tác phẩm chưa khắc họa được rõ nét những nhân vật điển hình mang tính tích cực xã hội; còn có nội dung thiếu tính xây dựng, thậm chí phản giáo dục, đạo đức, nhân cách. Hội thảo kiến nghị năm giải pháp lớn để VHNT tiếp tục đóng góp tích cực trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, đó là: Đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam; Tăng cường công tác quản lý của ngành giáo dục và đào tạo và các ngành liên quan; Mở rộng sự phối hợp các ban, bộ, ngành hữu quan; Đổi mới cơ chế, chính sách và Đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình VHNT.
* Chiều 4-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Trường đại học Việt – Đức (VGU) tại tỉnh Bình Dương.
Báo cáo với Chủ tịch nước, Ban Giám hiệu nhà trường cho biết: VGU là trường đại học công lập được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức. Sau bảy năm thành lập, trường đã triển khai được 11 chương trình đào tạo, trong đó có những ngành chuyên sâu về khoa học – công nghệ. VGU đang đào tạo 1.481 sinh viên bậc đại học và học viên cao học; tỷ lệ sinh viên, học viên ra trường có việc làm đạt 91%. Trong giai đoạn 2015-2021, trường sẽ đào tạo sáu khối ngành với 23 chương trình, đạt quy mô 4.000 sinh viên đại học và 1.000 sinh viên cao học; đến năm 2030 trường sẽ phát triển lên 12 nghìn sinh viên.
Phát biểu ý kiến với Ban Giám hiệu và sinh viên VGU, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc trong thời gian qua, mặc dù mới thành lập và đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng trường đã đi vào hoạt động, đào tạo hàng nghìn sinh viên trong nước và nước ngoài. Chủ tịch nước cho rằng, VGU là một trong những dự án giáo dục – đào tạo quan trọng được Việt Nam hợp tác với nhiều nước để thực hiện mô hình trường đại học đổi mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của đất nước. Với tầm quan trọng như vậy, trong đào tạo, VGU cần chú trọng đội ngũ giáo viên nước ngoài, vừa đào tạo sinh viên vừa đào tạo được đội ngũ giáo viên Việt Nam. Chủ tịch nước cũng lưu ý, VGU là dự án lớn đến nay đã phê duyệt quy hoạch xây dựng trên diện tích hơn 50 ha là phù hợp, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Ban lãnh đạo nhà trường cần phối hợp chặt chẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng, đưa vào hoạt động trước năm 2019.
Chủ tịch nước mong muốn, với chủ trương xây dựng đẳng cấp quốc tế, VGU sẽ đào tạo sinh viên ra trường có trình độ chuyên môn cao không thua kém so với trình độ ở các nước. Quá trình đào tạo cần tập trung chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học cho sinh viên để xây dựng cho được nguồn nhân lực ngày càng hiện đại. Phấn đấu để VGU trở thành đại học uy tín, chất lượng hàng đầu ở khu vực và không chỉ thu hút sinh viên trong nước mà tạo điều kiện cho sinh viên bạn bè quốc tế ở các nước Đông – Nam Á đến học tập.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và chúc mừng cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thời báo kinh tế Sài Gòn, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tờ báo tiếng Anh The Saigon Times Daily ra số đầu.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()