Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đất nông lâm nghiệp là nguồn lực quốc gia cần được tập trung khai thác
"Đất nông lâm nghiệp là nguồn lực quốc gia, Đắk Lắk cần tập trung khai thác, tránh để lãng phí" là tinh thần chỉ đạo tại cuộc làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác Trung ương với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, tại thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 29/12, trong chương trình kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội; đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh và xây dựng nông thôn mới tại Đắk Lắk.
“Đất nông lâm nghiệp là nguồn lực quốc gia, Đắk Lắk cần tập trung khai thác, tránh để lãng phí” là tinh thần chỉ đạo tại cuộc làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác Trung ương với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, tại thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 29/12, trong chương trình kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội; đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh và xây dựng nông thôn mới tại Đắk Lắk.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk. (Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN) |
Theo báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nie Thuật và đại diện các đơn vị trong tỉnh, năm 2013, trước khó khăn chung của kinh tế trong nước, Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt những kết quả tích cực với giá trị tổng sản phẩm đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2012. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều chỉ tiêu kinh tế -xã hội của tỉnh như xuất nhập khẩu, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu ngân sách Nhà nước còn chưa đạt. Về việc sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn, tỉnh đã chuyển đổi 29 doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 194.000ha. Do những bất cập về tổ chức và phương thức hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh, quản lý đất đai của các công ty còn hạn chế. Hoạt động xây dựng nông thôn mới chưa huy động được sức mạnh chính trị để triển khai thực hiện.
Hoan nghênh những kết quả mà tỉnh Đắc Lắk đạt được trong năm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, cùng với phát triển kinh tế, Đắk Lắk phải đặc biệt quan tâm đến chính sách đất đai đối với bà con các dân tộc thiểu số, đồng thời phải làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. “Công tác quản lý 2,5 triệu ha rừng kinh tế trong cả nước có ý nghĩa quan trọng không kém việc bảo vệ phát triển rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Đây là nhân tố vừa đảm bảo công ăn, việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp đồng thời bảo vệ môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Đối với việc lựa chọn mô hình chuyển đổi cho nông lâm trường, Chủ tịch nước cho rằng, những vướng mắc, bất cập cần được đánh giá cụ thể, có sự tách bạch giữa quản lý rừng tự nhiên và phần rừng, đất rừng sản xuất; đồng thời đề nghị tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có đánh giá, phân tích để sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến về đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh nhằm tạo ra cơ chế rõ ràng cho các đơn vị hoạt động thực sự hiệu quả.
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, những năm qua tăng trưởng kinh tế vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mới chỉ quan tâm đến quan tâm chiều rộng mà chưa chú ý đến phát triển chiều sâu. Chính quyền và các doanh nghiệp phải có sự hỗ trợ trực tiếp đối với bà con về vấn đai, vốn, kỹ thuật… để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập góp phần ổn định đời sống. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần làm tốt công tác củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo trật tự xã hội, an ninh quốc phòng. Để khai thác hiệu quả phát huy nguồn lực đất rừng, Đăk Lăk có thể đề xuất Trung ương cho làm thí điểm, qua đó nhân rộng những mô hình thành công.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với cán bộ, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M'Đrăk đang được giao quản lý hơn 25.000 ha rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Do đồng thời đảm nhiệm việc quản lý rừng và kinh doanh khai thác nên hoạt động của Công ty đang gặp khó khăn. Ghi nhận những ý kiến của cán bộ, công nhân Công ty tại cuộc làm việc, Chủ tịch nước nhấn mạnh về vai trò của rừng và ngành kinh tế lâm nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây nguyên. Chủ tịch nước căn dặn, trong mọi điều kiện, cán bộ, công nhân Công ty phải góp phần cùng cả nước, giữ bằng được 2 triệu ha rừng tự nhiên để phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, giảm hiệu ứng nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại nhà văn hóa Buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M'Đrắc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm tặng quà và chuyện trò thân mật với đồng bào dân tộc Ê-đê. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước đổi thay đời sống của người dân Ê-đê, đặc biệt là xuất hiện nhiều những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Chủ tịch nước mong muốn người dân Buôn Tai nỗ lực phấn đấu và đề nghị chính quyền, đoàn thể tiếp tục hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương.
Thăm xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ kinh tế xã hội trên địa bàn. Chủ tịch nước cho rằng, trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, vai trò của người dân ở thôn bản, trực tiếp đóng góp và đứng ra làm chủ là rất quan trọng. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các tiêu chí sản xuất và nâng cao đời sống được xã đảm bảo thực hiện tốt và đề nghị chính quyền tạo điều kiện cho người dân bàn bạc, tham gia các công trình.
Cũng trong chương trình công tác, Chủ tịch nước đã đến thăm Đồn biên phòng Sêrêpốk. Trong năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với 30% cán bộ chiến sĩ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù điều kiện công tác còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ. Biểu dương thành tích của đơn vị, Chủ tịch nước đề nghị Đồn biên phòng Sêrêpốk tiếp tục phát huy truyền thống, giữ vững chủ quyền, xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, cùng đảng bộ, chính quyền cơ sở hỗ trợ người dân có cuộc sống tốt hơn vì “đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để kết hợp nhiệm vụ quốc phòng với phát triển kinh tế – xã hội vùng biên”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thăm Ban Chỉ đạo Tây nguyên, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Chỉ đạo cần đặc biệt chú ý đến hai vấn đề quan trọng là triển khai thực hiện chính sách đất đai để đồng bào các dân tộc thiểu số có đất sản xuất và củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở làm chỗ dựa trong chỉ đạo phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Theo CPV
Ý kiến ()