Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Ngày 19-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư đã tổ chức Phiên họp thứ 20; thảo luận, cho ý kiến về hai đề án: “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị” và “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Viện Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư chủ trì Phiên họp.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thị Thu Ba, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành T.Ư và thành viên Ban Chỉ đạo.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với hai đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSND) tối cao. Xây dựng đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách là tìm ra cơ chế phù hợp, khắc phục những hạn chế của cơ chế phân bổ ngân sách hiện hành, tập trung các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện để TAND, KSND thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cũng cho rằng: Đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho TAND và Viện KSND phải chỉ ra được những ưu điểm, hạn chế của cơ chế hiện hành; phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước trong tổng thể chính sách tài chính của Nhà nước. Các đề án cũng phải xác định rõ mục tiêu xây dựng cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách theo mô hình đổi mới phải bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả; hạn chế cấp trung gian, tránh tình trạng xin – cho giữa các cấp…
Đề án cũng phải đưa ra những đề xuất giải pháp để xác lập cơ chế mới về phân bổ ngân sách theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp, nhằm bảo đảm cho Tòa án và Viện kiểm sát thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Góp ý cụ thể về thực trạng cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách của các Tòa án nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư cho rằng: Cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách hiện nay đối với Tòa án nhân dân được thực hiện như đối với các cơ quan hành chính nhà nước khác là chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của Tòa án nhân dân; đồng thời chưa tạo được sự chủ động cho Tòa án nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ. Tòa án với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; là trung tâm của hoạt động tư pháp nhưng định mức chi thường xuyên được phân bổ cho Tòa án không khác gì với cơ quan tư pháp là không hợp lý.
Tuy nhiên, việc đánh giá thực trạng cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách của Đề án còn một số hạn chế, chưa dựa trên quan điểm, yêu cầu cải cách tư pháp, đó là yêu cầu xây dựng một nền tư pháp độc lập, hiện đại, bảo đảm Tòa án nhân dân thực hiện hiệu quả quyền tư pháp. Đề án chưa chỉ ra được những bất cập của cơ chế hiện nay (mô hình ba cấp dự toán ngân sách), chưa đề xuất được mô hình phân bổ, quản lý ngân sách mới thích hợp như mục tiêu của Đề án đã đề ra và nhiệm vụ đổi mới mà Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định.
Mặt khác, Đề án chưa phân tích, đánh giá rõ hơn vai trò, trách nhiệm của TAND tối cao (đơn vị dự toán cấp 1) trong việc phân bổ, quản lý, điều hành, giám sát, kiểm tra, quyết toán việc sử dụng ngân sách và trách nhiệm của các TAND (đơn vị dự toán cấp 2, cấp 3) trong việc quản lý, sử dụng ngân sách…
Về chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức TAND, Ban cán sự Đảng TAND tối cao đề xuất theo hướng chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức TAND do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, quyết định. Thường trực Ban Chỉ đạo tán thành với đề xuất này, cho rằng do đặc thù của hoạt động Tòa án nên việc xây dựng thang bảng lương riêng cho cán bộ, công chức Tòa án là cần thiết.
Tuy nhiên, về cách xây dựng mức lương cho thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán cấp cao, thẩm phán trung cấp và sơ cấp như Đề án đề xuất vẫn có những điểm không hợp lý. Một số ý kiến tại phiên họp cho rằng, chỉ nên xây dựng thang bảng lương riêng cho thẩm phán, còn đối với cán bộ, công chức TAND thì theo quy định chung của pháp luật. Một số ý kiến khác nêu cần xem xét xây dựng bảng lương riêng của ngành như đã áp dụng đối với cơ quan thuế và hải quan hiện nay…
Đối với việc tăng thẩm quyền quyết định cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc điều chỉnh ngân sách được giao từ các khoản kinh phí không tự chủ sang các nội dung chi hợp ký khác, Ban cán sự đảng TAND tối cao đề nghị giao thẩm quyền này cho Chánh án TAND tối cao để giúp Tòa án điều hành, sử dụng ngân sách được giao linh hoạt, hiệu quả hơn. Vấn đề này, Thường trực Ban chỉ đạo và các ý kiến cho rằng cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đề ra.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Đề án về đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho TAND và Viện KSND đã có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, các đề án chưa khắc phục được những hạn chế, bấp cập của cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách hiện hành. Đồng thời các nội dung trong đề án chưa đề xuất giải pháp cụ thể, rõ ràng để xác lập cơ chế mới về phân bổ ngân sách.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Việc xây dựng các đề án phải thật sự đổi mới và phải tuân thủ theo Hiến pháp năm 2013 và các luật đã được Quốc hội thông qua, cũng như tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.
Thời gian tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu TAND tối cao, Viện KSND tối cao tiếp tục rà soát lại các nội dung của Đề án, nhất là vấn đề đổi mới về nguồn kinh phí, đề xuất nội dung đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, đổi mới về giao kinh phí dự phòng… trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn thiện trong thời gian tới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()