Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp cải cách tư pháp lần thứ 21
Chiều ngày 16/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp thứ 21 thảo luận và tiếp tục cho ý kiến về Đề án "Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Toà án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị" và Đề án "Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Viện kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp".
Tại phiên họp, đại diện Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) báo cáo một số điểm tiếp thu ý kiến của Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp trước.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, Ban soạn thảo đã chỉnh lý 5/6 yêu cầu phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, Luật ngân sách Nhà nước, Luật đầu tư công, Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước và các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, Ban cán sự đảng TANDTC, VKSNDTC đề nghị xem xét giữ nguyên mô hình quản lý ngân sách 3 cấp như hiện nay hay đổi mới quản lý theo mô hình ngân sách 2 cấp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp cải cách tư pháp lần thứ 21. |
Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất việc xây dựng đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho TAND và VKSND là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện để ngành Tòa án, Viện kiểm sát thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Cho ý kiến về mô hình quản lý ngân sách, Thường trực Ban chỉ đạo cho rằng việc đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách là chủ trương quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp, do đó TAND và VKSND cần thực hiện 2 cấp ngân sách, theo đó TANDTC và VKSNDTC là đơn vị dự toán ngân sách cấp I, các đơn vị thụ hưởng ngân sách thuộc TANDTC, VKSNDTC và các TAND, VKSND là đơn vị dự toán cấp II. Việc đổi mới sẽ góp phần tăng cường tính độc lập và trách nhiệm của các đơn vị dự toán ngân sách cấp II trong việc quản lý sử dụng ngân sách của cơ quan mình, thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp, giảm cơ chế xin – cho, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị thụ hưởng ngân sách.
Song, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện theo phương án 2 cấp ngân sách sẽ khó khăn hơn 3 cấp là cấp VKSNDTC, TANDTC, cấp tỉnh và cấp huyện, bởi 2 cấp không giảm về hành chính mà cũng không ngăn chặn được cơ chế xin – cho…
Về định mức làm cơ sở dự toán hằng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo đồng ý với đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định mức chi hoạt động thường xuyên, chi đặc thù, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc chủ yếu, xây dựng trụ sở cho Toà án và Viện kiểm sát làm cơ sở để lập dự toán hằng năm, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc trao thẩm quyền cho UBTVQH như trên chưa được quy định trong Luật, thực tế thẩm quyền này của Chính phủ. Nếu thực hiện sẽ phải sửa đổi nhiều Luật liên quan.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh: Nếu giao cho UBTVQH sẽ bảo đảm tính khách quan, độc lập, bởi đây là cơ quan nắm rõ tính đặc thù của TAND và VKSND, theo đó sẽ giúp hoạt động của các cơ quan này tốt hơn.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá hai đề án của TANDTC và VKSNDTC được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, Ban soạn thảo đã tiếp thu cơ bản ý kiến đóng góp của thành viên Ban chỉ đạo tại phiên họp trước. Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến mô hình quản lý ngân sách, Chủ tịch nước giao Thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với các đơn vị liên quan, các bộ, ban, ngành nghiên cứu thận trọng, tìm mô hình quản lý ngân sách phù hợp nhất đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn tới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên Ban Chỉ đạo đã chứng kiến Lễ ký kết. |
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên Ban Chỉ đạo đã chứng kiến Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác thông tin tuyên truyền giữa Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương về chủ trương nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2015 – 2020. Chủ tịch nước nhấn mạnh công tác cải cách tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của nước ta. Tuy nhiên, việc nhận thức về cải cách tư pháp hiện nay còn hạn chế, Chủ tịch nước mong rằng thông qua việc ký kết phối hợp tuyên truyền giữa 2 đơn vị chủ lực sẽ góp phần nâng cao hơn nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp nói riêng và công tác cải cách tư pháp của nước ta nói chung, tạo sự ủng hộ, đồng thuận xã hội và tham gia của nhân dân, tổ chức vào công tác này.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()