Sáng qua 5-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã họp phiên thứ nhất với sự chủ trì của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp. ( Ảnh: Nguyễn Khang (TTXVN) ) Mở đầu phiên họp, sau khi nghe đồng chí Trương Tấn Sang thông báo dự kiến nội dung phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe công bố Quyết định số 39/QĐ/T.Ư, ngày 19-9-2011 của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016. Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có 15 thành viên do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó Trưởng ban; đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, làm Phó Trưởng ban Thường trực; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng,...
Sáng qua 5-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã họp phiên thứ nhất với sự chủ trì của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp. ( Ảnh: Nguyễn Khang (TTXVN) )
Mở đầu phiên họp, sau khi nghe đồng chí Trương Tấn Sang thông báo dự kiến nội dung phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe công bố Quyết định số 39/QĐ/T.Ư, ngày 19-9-2011 của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016. Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có 15 thành viên do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó Trưởng ban; đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, làm Phó Trưởng ban Thường trực; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, làm Phó Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách Tư pháp Trung ương có chức năng tham mưu giúp Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cải cách tư pháp và Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020. Nhiệm vụ của BCĐ gồm: Thảo luận, quyết định chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp, chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo cả nhiệm kỳ và hằng năm; xác định kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp hằng quý. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020 và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác Cải cách Tư pháp. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp. Nghiên cứu, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, BCĐ có quyền được yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng và đảng ủy trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận về lĩnh vực cải cách tư pháp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Cung cấp thông tin và tham gia ý kiến đối với các văn bản về lĩnh vực tư pháp; Tham dự các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội nghị chuyên đề về lĩnh vực tư pháp của các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương.
Cũng tại phiên họp này, các thành viên BCĐ đã thảo luận về việc phân công trách nhiệm của các thành viên BCĐ trong cả nhiệm kỳ, quyết định việc kiện toàn Ban Thư ký BCĐ và Chương trình làm việc của BCĐ trong những tháng cuối năm 2011. Theo đó, phiên họp thứ hai của BCĐ sẽ được tổ chức vào giữa tháng 11-2011 và phiên họp thứ ba sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12-2011.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định, các cơ quan tư pháp là một bộ phận quan trọng trong bộ máy Nhà nước ta. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống Tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Về nhiệm vụ chính của phiên họp này, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đó là việc kiện toàn tổ chức BCĐ, các cơ quan giúp việc BCĐ và xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác của BCĐ Cải cách Tư pháp T.Ư từ nay đến hết năm 2011. Đồng chí đề nghị các thành viên BCĐ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của BCĐ Cải cách Tư pháp T.Ư hai nhiệm kỳ trước, đồng chí đã cho ý kiến cụ thể về việc kiện toàn bộ phận thường trực, Ban Thư ký và Văn phòng giúp việc của Ban Chỉ đạo. Về chương trình công tác của BCĐ những tháng cuối năm 2011, đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý các thành viên phải khẩn trương nghiên cứu để chuẩn bị ý kiến đóng góp về việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, nhất là những quy định liên quan công tác Tư pháp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()