Tại các điểm tiếp xúc, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa thay mặt tổ đại biểu QH đã báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV.
Cử tri quận 1 và quận 3 đã phát biểu nhiều ý kiến, bày tỏ sự phấn khởi trước kết quả cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kết quả kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV, nhất là việc QH đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo QH, Nhà nước, Chính phủ. Cử tri kiến nghị với các đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề như: Cần có biện pháp giảm nợ công, khắc phục tình trạng nợ công tăng cao; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm an toàn nguồn nước, tình trạng môi trường nước bị xâm hại nghiêm trọng; tình trạng tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp; quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo đảm; nguy cơ an ninh mạng, tội phạm mạng…
Thay mặt các đại biểu QH, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn các cử tri đã tin tưởng bầu vào QH khóa XIV. Chủ tịch nước ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri, đồng thời trả lời, làm rõ một số vấn đề các cử tri nêu ra. Về vấn đề nợ công, Chủ tịch nước cho biết, nợ công là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong những năm qua, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và 62,2% GDP vào cuối năm 2015; đến cuối năm 2016, nợ công có nguy cơ vượt trần. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, Việt Nam không nằm trong các nhóm nước có gánh nặng về nợ cao. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công vẫn chưa thật sự hiệu quả. Hiện nay, rủi ro nợ công ở Việt Nam phụ thuộc vào những yếu tố chính như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia. Do đó, những nhân tố này cần được kiểm soát tốt để giảm thiểu rủi ro về nợ công.
Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch nước cho biết, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, quyết định đưa nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016” vào nội dung Chương trình giám sát của QH. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, đồng bộ và khả thi để tạo ra sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc giám sát thực phẩm an toàn; hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Về những kiến nghị, đề xuất chung quanh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước nêu rõ: Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, thì phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa quyết định; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó các cơ quan chức năng đóng vai trò tham mưu, nòng cốt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Tiếp tục cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành tư pháp…
Về vấn đề biển, đảo, Chủ tịch nước khẳng định, biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Về những ý kiến chung quanh việc ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền trung, Chủ tịch nước cho biết, ngay sau khi có thông tin về sự cố, Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần họp, nghe báo cáo và chỉ đạo sát sao việc triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý. Hiện nay QH đang giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát độc lập để có đánh giá, phản biện có cơ sở. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương liên quan đang tích cực triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả; thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân; giám sát và yêu cầu Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm đã cam kết; tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng. Chủ tịch nước cũng cho biết, sẽ làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền trung.
Ý kiến ()