Sau khi nghe báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV, cử tri quận 4 phát biểu ý kiến bày tỏ sự phấn khởi trước kết quả cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kết quả kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV, nhất là việc QH đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo QH, Nhà nước, Chính phủ và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Thay mặt các đại biểu QH, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn các cử tri đã tin tưởng bầu vào QH khóa XIV. Chủ tịch nước ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của cử tri, đồng thời trao đổi ý kiến, làm rõ một số vấn đề các cử tri nêu. Chủ tịch nước cho biết, sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,52% (thấp hơn so cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%). Mặc dù trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP tạm thời giảm sút song nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi và phát triển, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới cùng với số vốn đăng ký tăng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng cao. Lạm phát được kiểm soát; tín dụng đối với nền kinh tế tăng với chất lượng được cải thiện; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng…
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong sáu tháng cuối năm, cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp; thực hiện kiên quyết các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; theo dõi sát diễn biến, tình hình trên Biển Đông, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Về chế độ chính sách cho những người làm công ăn lương, Chủ tịch nước cho rằng, để có tiền trả lương cao hơn, cần tinh gọn bộ máy hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Trước nỗi lo của nhiều cử tri chung quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch nước cho biết, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, quyết định đưa nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016” vào nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, đồng bộ và khả thi để tạo ra sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm…
Về vấn đề biển, đảo, Chủ tịch nước khẳng định, biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Chúng ta cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Chung quanh việc thực thi pháp luật, Chủ tịch nước nhấn mạnh, chủ trương của chúng ta là xây dựng một xã hội mọi người đều sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, công bằng. Muốn vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ý kiến ()